fbpx

Nhà đầu tư bất an trước ngày công bố báo cáo việc làm, DJA bốc hơi hơn 323 điểm

Nhà đầu tư bất an trước ngày công bố báo cáo việc làm, DJA bốc hơi hơn 323 điểm

Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (4/8), trượt khỏi đỉnh cao mọi thời đại thiết lập trong phiên trước đó…

Nhà đầu tư lo lắng sau khi một dữ liệu cho thấy tăng trưởng việc làm tháng 7 có thể không đạt dự báo, và cổ phiếu hãng xe General Motors (GM) sụt mạnh cũng gây áp lực giảm lên thị trường.

Cổ phiếu GM “bốc hơi” 8,9%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 3, cho dù nhà sản xuất ô tô Mỹ công bố kết quả kinh doanh quý 2/2021 với doanh thu và lợi nhuận đều vượt kỳ vọng của giới phân tích. Nguyên nhân dẫn tới việc bán tháo cổ phiếu GM là cảnh báo của hãng rằng cuộc khủng hoảng thiếu linh kiện bán dẫn toàn cầu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong năm 2022.

Cổ phiếu Ford “vạ lây” phiên giảm này của GM, chốt phiên với mức giảm 5%.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 9 nhóm giảm điểm phiên này. Tâm trạng của nhà đầu tư trở nên bấp bênh sau khi báo cáo từ công ty dịch vụ tuyển dụng ADP cho thấy số lượng việc làm trong khu vực tư nhân của Mỹ tăng ít hơn dự báo trong tháng 7, mà nguyên nhân có thể do tình trạng thiếu lao động và thiếu nguyên vật liệu đầu vào.

Chỉ số Dow Jones của các cổ phiếu blue-chip vốn có mức độ nhạy cảm cao với chu kỳ kinh tế cũng có một phiên đi xuống.

Trái lại, chỉ số công nghệ Nasdaq đóng cửa trong trạng thái tăng nhờ một báo cáo cho thấy hoạt động ngành công nghiệp dịch vụ của Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong tháng 7, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục phục hồi.

“Báo cáo việc làm của ADP đã gây thất vọng. Thị trường sẽ chuyển sự chú ý sang báo cáo về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu công bố vào ngày mai, tiếp đến là báo cáo việc làm tháng 7 do Bộ Lao động công bố vào ngày thứ Sáu”, chiến lược gia Ross Mayfield của Baird nhận xét.

“Nói chung, diễn biến của dịch Covid-19 với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta trong những tuần gần đây đang khiến nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng tăng trưởng kinh tế, khiến họ điều chỉnh những giao dịch dựa trên dự báo về sự phục hồi”, ông Mayfield nhận định.

Sau 6 tháng tăng liên tiếp, S&P 500 – thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ – đang có chiều hướng chững lại trong những phiên đầu của tháng 8, do mối lo của thị trường rằng đà phục hồi của kinh tế Mỹ có thể đã chững lại. Ngoài ra, nhà đầu tư còn lo ngại về lạm phát cao, cho dù mức lợi nhuận khả quan của các công ty niêm yết trong quý 2 phần nào xoa dịu những bất an này.

Trong những ngày gần đây, nhiều quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lên tiếng về vấn đề chính sách tiền tệ. Một số cho rằng Fed nên sớm thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng một số khác lại nói cần phải chờ thêm để thị trường việc làm và nền kinh tế hồi phục.

Phát biểu ngày 4/8, Phó chủ tịch Fed Richard Clarida nói rằng Fed nên chuẩn bị sẵn sàng cho việc tăng lãi suất vào năm 2023.

Tâm điểm chú ý của giới đầu tư ở Phố Wall giờ đã chuyển sang báo cáo việc làm vào ngày thứ Sáu tuần này. Báo cáo này được xem sẽ là cơ sở để định hướng các kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Fed, theo đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá các tài sản.

Lúc đóng cửa, Dow Jones sụt 0,92%, còn 34.792,67 điểm. S&P 500 giảm 0,46%, còn 4.402,66 điểm. Nasdaq tăng 0,13%, đạt 14.780,53 điểm.

Toàn thị trường có 9,87 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức 9,71 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất. Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp hơn 2 lần số mã tăng; trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là hơn 1,8 lần.

Bài viết liên quan