fbpx

Khả năng ‘lật đổ’ đồng USD của nhân dân tệ điện tử

Sau đúng 50 năm USD “lật đổ” chế độ bản vị vàng, đồng nhân dân tệ điện tử được xem là biến số lớn cho kỷ nguyên tiền tệ mới.

Trong nhiều năm, Trung Quốc nỗ lực phát triển tiền điện tử nhằm mục đích sử dụng trong nước. Tuy nhiên, diễn biến mới đã xuất hiện vào ngày 16/7. Sách trắng của chính phủ đã làm rung chuyển thị trường tài chính khi nói rằng nước này đang thăm dò việc thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ điện tử (e-CNY).

Đồng nhân dân tệ điện tử dường như là bước đi mới nhất trong một loạt các bước nhằm quốc tế đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, với mục tiêu cuối cùng là kiềm chế sự thống trị toàn cầu của hệ thống thanh toán bằng đồng USD.

Tình hình trên trùng hợp một cách kỳ lạ với 50 năm trước. Chủ nhật 15/8/1971, Tổng thống Richard Nixon tuyên bố Mỹ đơn phương phá giá đồng USD, đình chỉ việc quy đổi USD ra vàng theo giá cố định 35 USD mỗi ounce. Quyết định này chấm dứt chế độ bản vị vàng, hình thành từ Hội nghị Bretton Woods năm 1944.

Đúng nửa thế kỷ sau, một kỷ nguyên mới đang ló dạng. Trung Quốc tăng cường nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, nhằm hạn chế áp lực từ Mỹ, cũng như đáp trả Washington trong việc vũ khí hóa USD để trừng phạt họ.

“Cuộc chạy đua phát triển tiền điện tử của ngân hàng trung ương Trung Quốc phải được nhìn nhận trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực giành ảnh hưởng và quyền lực toàn cầu từ Mỹ”, Diana Choyleva, Nhà kinh tế trưởng tại Enodo Economics, đánh giá. Theo bà, đồng nhân dân tệ điện tử “là phần quan trọng của giải pháp thay thế cho trật tự dựa trên đồng USD” mà Bắc Kinh đang xây dựng.

Sự kết thúc của hệ thống tiền tệ Bretton Woods năm 1971 đã mở đường cho một hệ thống tỷ giá hối đoái không được cố định bởi ai, cũng như không được hỗ trợ bởi vàng. Không có gì hữu hình hỗ trợ tiền tệ, chỉ có điều kiện kinh tế trong nước và sự tin tưởng vào chính sách của một quốc gia.

Hệ thống này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay và đồng USD vẫn là tiền tệ ưu việt của thế giới, nhờ sự phụ thuộc toàn cầu vào nền kinh tế Mỹ, sự tin tưởng vào các thể chế và vai trò của nó như một siêu cường toàn cầu duy nhất. Nó đã mang lại ảnh hưởng to lớn về kinh tế và chính trị cho Mỹ.

Nhưng giờ, các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với một chuyển biến khác. Lạm phát tăng đáng kể, ngân sách Mỹ và thâm hụt thương mại đang tăng vọt, và việc tăng lãi suất có thể đưa đồng USD vào trạng thái được định giá quá cao. Theo các nhà đầu tư và nhà kinh tế, ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc, chủ yếu là liên kết thương mại với một số quốc gia châu Á và châu Phi, cũng có thể thúc đẩy việc đồng nhân dân tệ trở thành đối thủ của USD.

Michael Hasenstab, Điều hành Quỹ trái phiếu toàn cầu Templeton, cho biết cách tiếp cận bằng e-CNY sẽ đẩy nhanh việc nâng cao vai trò của đồng nhân dân tệ trên thế giới. Một hệ thống thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới có nghĩa là Trung Quốc đang tạo tiền đề cho khả năng chuyển đổi nhân dân tệ đầy đủ hơn, điều này sẽ đẩy nhanh việc sử dụng đồng tiền này trong các thanh toán ngoại hối.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết vào năm 2020 rằng: “Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy đều đặn việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ để phục vụ nền kinh tế thực, dựa trên các nguyên tắc thị trường”.

Trung Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng đồng nhân dân tệ để đầu tư vào trái phiếu và cổ phiếu của họ, và sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhân dân tệ ở nước ngoài. Ngân hàng trung ương cũng kỳ vọng đồng nhân dân tệ sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc định giá dầu thô, quặng sắt và các hàng hóa khác.

Tiến độ hiện còn chậm. Trong khi Trung Quốc chiếm gần 1/5 tổng sản lượng kinh tế toàn cầu, đồng tiền của nước này đã bị kìm hãm do thiếu tài sản để đầu tư và khả năng chuyển đổi hoàn toàn, cũng bởi Bắc Kinh duy trì quyền kiểm soát vốn.

Một thập kỷ trước, hầu như không có thương mại nào của Trung Quốc được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Nhưng vào 2019, con số đó là 13,4% đối với hàng hóa và 23,8% đối với dịch vụ. Tuy nhiên, tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đang ở vị trí thứ 5, vẫn kém USD, yen, euro và bảng Anh.

Theo IMF, đồng USD vẫn là vị vua không thể tranh cãi của nền tài chính toàn cầu, chiếm 59,5% dự trữ toàn cầu trong ba tháng đầu năm. Đồng nhân dân tệ chiếm 2,5% thanh toán xuyên biên giới toàn cầu. Dù đó là mức cao nhất trong 5 năm, nhưng thấp hơn nhiều so với mức 40% của USD.

Trung tâm của nỗ lực quốc tế hóa hiện là e-CNY, bắt đầu vào năm 2014. Paul Mackel, Chuyên gia của HSBC cho biết, sự phát triển của e-CNY cuối cùng có thể góp phần vào mục tiêu dài hạn của PBOC là quốc tế hóa nhân dân tệ.

Sự thành công của e-CNY phụ thuộc vào độ sẵn sàng chấp nhận của các quốc gia khác. “Bằng cách thực hiện thanh toán xuyên biên giới dễ dàng hơn và rẻ hơn, hệ thống đồng nhân dân tệ điện tử mới có thể có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các thị trường mới nổi, vốn bị kìm hãm bởi khả năng tiếp cận tốn kém với các khoản thanh toán toàn cầu dựa trên đồng USD, và cũng muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD vì lý do địa chiến lược”, bà Choyleva nói.

Cùng với đó, thương mại của Trung Quốc với các quốc gia châu Á và châu Phi đã tăng vọt, cho phép nước này ngày càng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Charles Gave của Gavekal Research gọi đây là “trật tự tiền tệ mới của châu Á”.

PBOC cho biết việc sử dụng đồng nhân dân tệ xuyên biên giới đã tăng 24% trong năm 2018 và 2019, lên 19.670 tỷ nhân dân tệ, mức cao kỷ lục về khối lượng. Trong khi thương mại giữa các nước châu Á vẫn chủ yếu diễn ra bằng USD, một “cơ sở hạ tầng song song” hiện đã được áp dụng, Gave nói. Các thỏa thuận lấy USD làm trung tâm có thể bị loại bỏ mà không còn dẫn đến sự sụp đổ trong thương mại khu vực vì thiếu phương tiện thanh toán.

Việc Mỹ tung ra các kích thích tiền tệ, đe dọa phá giá đồng USD, thúc đẩy các nhà chức trách Trung Quốc đề xuất một hệ thống hỗ trợ các quốc gia có thể thanh toán bằng đồng tiền của họ. Ý tưởng này được thúc đẩy để giảm sự phụ thuộc vào USD, giảm sự biến động giữa các đồng tiền châu Á, và đặc biệt là biến PBOC thành người cho vay cuối cùng, thông qua các đường hoán đổi do tổ chức này chủ trì. Các quốc gia trong hệ thống cũng muốn ổn định tỷ giá hối đoái của họ so với đồng nhân dân tệ thay vì so với đồng USD.

Theo Gave, ý tưởng đã giúp tỷ giá hối đoái ổn định và vai trò của PBOC tăng lên trong khu vực. Ông cho rằng, những thay đổi này “cách ly thương mại nội hạt châu Á chống lại một cuộc khủng hoảng đồng USD hoặc đồng euro trong tương lai”.

Theo hệ thống mới này, người cho vay tiềm năng không phải là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà là PBOC, thông qua các thỏa thuận hoán đổi đã ký với các ngân hàng trung ương khác.

Từ tháng 1/2009 đến tháng 1/2020, PBOC ký kết thỏa thuận hoán đổi song phương với 41 quốc gia. Hầu hết trong số này được áp dụng từ năm 2009 đến năm 2016 và thường có giá trị trong khoảng 3 năm. Nhiều thỏa thuận đã được gia hạn nhiều lần, với số lượng thỏa thuận đạt đỉnh là 33 vào 2016 và còn 27 vào cuối 2019.

Theo PBOC, dù số lượng thỏa thuận đang hoạt động giảm nhẹ, tính thanh khoản tối đa có thể đạt được thông qua các thỏa thuận vẫn ổn định, trung bình 2.220 tỷ nhân dân tệ. Với tầm quan trọng của Trung Quốc như một nhà cung cấp hàng hóa cũng như một nguồn đầu tư và tín dụng cho các nước đang phát triển, và nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, các giao dịch hoán đổi này phù hợp với Trung Quốc và các đối tác của họ. “Nếu mục tiêu là mở đường cho việc phi USD hóa thương mại giữa các nước châu Á, và sau đó mở rộng hơn thì nó đã đạt được”, Gave nói.

Viện nghiên cứu tiền tệ điện tử và trung tâm thanh toán bù trừ của PBOC vào tháng 2 đã thiết lập một liên doanh với Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). Tổ chức mới được gọi là Công ty Dịch vụ Thông tin Cổng Tài chính, được thành lập tại Bắc Kinh, ngay khi xuất hiện lo ngại rằng Mỹ có thể cắt Trung Quốc khỏi nền tảng SWIFT trong bối cảnh căng thẳng leo thang.

PBOC cũng đã bắt đầu làm việc với các đối tác của mình ở Hong Kong, Thái Lan và UAE về việc sử dụng sổ cái kỹ thuật số các giao dịch. Mục đích là khai thác tiền tệ điện tử của các ngân hàng trung ương để thanh toán xuyên biên giới đa tiền tệ trở nên đơn giản hơn và rẻ hơn.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tăng cường giám sát các kế hoạch của Trung Quốc đối với đồng nhân dân tệ điện tử. Một số quan chức lo ngại e-CNY có thể khởi động một nỗ lực dài hạn để lật đổ USD trở thành đồng tiền dự trữ thống trị trên thế giới. Những lo ngại không phải là không có cơ sở vì những động thái mới nhất của Trung Quốc có thể là nỗ lực lớn nhất đe dọa vị thế toàn cầu của đồng USD, cũng như hệ thống tiền tệ xuất hiện sau Thế chiến II.

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng sự khác biệt giữa giá trị lý thuyết và giá trị thực tế của đồng USD cuối cùng có thể gây ra sự đảo ngược đột ngột, làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu và dẫn đến sự thay đổi thị trường có khả năng gây hại cho các nền kinh tế châu Á mới nổi.

Chắc chắn, đồng bạc xanh đã chứng tỏ khả năng phục hồi và sống sót qua nhiều cuộc khủng hoảng. Rất ít người sẵn sàng viết cáo phó cho sự bá chủ của nó. 50 năm trước, Tổng thống Nixon và nhóm của ông đã đưa ra một số quyết định khó khăn, khiến đồng USD trở thành nguồn dự trữ toàn cầu. Tổng thống Biden đương nhiệm và những người kế nhiệm sẽ phải đối mặt những bài toán tương tự.

Bài viết liên quan