fbpx

Quyền chọn – Phần 2: Tính chất, lợi nhuận và rủi ro khi giao dịch quyền chọn

Trên thị trường quyền chọn, các nhà giao dịch sẽ hướng tới lợi nhuận bằng một trong hai cách: thực hiện quyền chọn, hoặc giao dịch để hưởng lợi từ chênh lệch giá.

Về cơ bản, khi giá của tài sản cơ sở tăng, giá của quyền chọn call sẽ tăng (vì khi thực hiện quyền sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn) và giá của quyền chọn put sẽ giảm, và ngược lại. Do đó các nhà giao dịch có thể sử dụng tính chất này để giao dịch quyền chọn và hưởng lợi dựa trên chênh lệch giá.

Đối với việc thực hiện quyền chọn, tôi sẽ phân tích chi tiết lợi nhuận và rủi ro đối với 4 loại vị thế cơ bản của quyền chọn: Long Call, Long Put, Short Call, Short Put.

Giao dịch quyền chọn

Vị thế Long

Như tôi đã giới thiệu ở phần 1, để sở hữu quyền chọn, bạn cần mua nó trên thị trường với mức giá premium. Sau đó, bạn có thể thực hiện quyền chọn khi bạn thấy có lợi nhuận. Trong trường hợp ngược lại, bạn hoàn toàn có thể không thực hiện quyền chọn. Như vậy, mức lỗ tối đa khi bạn Long quyền chọn chính bằng premium, hay nói cách khác, rủi ro của quyền chọn được giới hạn.

Khi so sánh quyền chọn với tài sản cơ sở, giá của quyền chọn thường nhỏ hơn rất nhiều so với tài sản cơ sở. Điều này sẽ giúp bạn có thể đầu cơ vào xu hướng của tài sản cơ sở một cách dễ dàng hơn rất nhiều, thay vì bỏ ra số tiền lớn để mua tài sản đó, bạn chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ mà vẫn có thể hưởng lợi từ chênh lệch giá của tài sản cơ sở. Nói cách khác, quyền chọn có tính đòn bẩy.

Ví dụ, bạn mua một quyền chọn call cổ phiếu X có giá $5, giá thực hiện là $60. Nếu giá thanh toán là $80, bạn sẽ được lãi $15 với số vốn bỏ ra là $5, tương đương tỷ suất lợi nhuận lên tới 300%. So sánh với việc mua tài sản cơ sở, bạn sẽ lãi $20 với số vốn bỏ ra $60, tức tỷ suất lợi nhuận 33.3%.

Như vậy, hai tính chất đặc trưng của quyền chọn mà bạn có thể thấy, đó là tính đòn bẩy và tính giới hạn rủi ro. Điều này làm cho quyền chọn khác hẳn so với hợp đồng tương lai hay CFDs, hai loại công cụ phái sinh này mặc dù sử dụng đòn bẩy, nhưng cả lợi nhuận và rủi ro đều được phóng đại. Quyền chọn giúp bạn phóng đại lợi nhuận, nhưng rủi ro luôn được giới hạn.

Long Call

Một nhà giao dịch sẽ Long Call nếu họ nghĩ rằng giá của tài sản cơ sở sẽ tăng. Nếu gọi giá thực hiện là X, giá thanh toán của quyền chọn tại thời điểm T là ST, ta có các trường hợp như dưới đây cho một vị thế Long quyền chọn call:

  • Nếu ST > X: Nhà giao dịch sẽ có lợi một khoản chênh lệch bằng ST – X khi thực hiện quyền chọn. Khi đó quyền chọn sẽ ở trạng thái có lãi (in the money – ITM).
  • Nếu ST = X: Nhà giao dịch sẽ không có lợi gì cả khi thực hiện quyền chọn hay không thực hiện. Khi đó quyền chọn sẽ ở trạng thái hòa vốn (at the money – ATM).
  • Nếu ST < X: Nhà giao dịch sẽ không thực hiện quyền, bởi họ sẽ lỗ thêm nếu thực hiện. Khi đó quyền chọn sẽ ở trạng thái lỗ (out of the money – OTM).

Khi nắm giữ quyền chọn, số tiền trong tương lai bạn sẽ nhận được từ quyền chọn này chính là giá trị (value hoặc payoff) của quyền chọn đó.

  • Đối với quyền chọn ITM: Giá trị = ST – X
  • Đối với quyền chọn OTM, ATM: Giá trị = 0 (do bạn không thực hiện quyền).

Như vậy, giá trị của một vị thế Long Call sẽ là Max(0, ST – X). Nếu giá của quyền chọn tại thời điểm bạn mua là c0, thì lợi nhuận của vị thế này sẽ là:

Lợi nhuận = Max(0, ST – X) – c0

Từ công thức trên có thể thấy, giá trị và lợi nhuận của vị thế Long Call sẽ phụ thuộc vào giá của tài sản cơ sở, được minh họa như hình dưới đây.

Lợi nhuận, giá trị của vị thế Long Call với giá của tài sản cơ sở

Như vậy, để có lợi nhuận khi Long Call, giá của tài sản cơ sở vào thời điểm thanh toán phải ít nhất bằng X + c0. Nếu giá của tài sản cơ sở thấp xuống, mức lỗ tối đa khi Long Call sẽ là c0, mặc dù giá của tài sản này giảm xuống như thế nào đi chăng nữa.

Long Put

Một nhà giao dịch sẽ Long Put nếu họ nghĩ rằng giá của tài sản cơ sở sẽ giảm. Ta có các trường hợp như dưới đây cho một vị thế Long quyền chọn put:

  • Nếu ST < X: Nhà giao dịch sẽ có lợi một khoản chênh lệch bằng X – ST khi thực hiện quyền chọn. Khi đó quyền chọn sẽ ở trạng thái ITM.
  • Nếu ST = X: Nhà giao dịch sẽ không có lợi gì cả khi thực hiện quyền chọn hay không thực hiện. Khi đó quyền chọn sẽ ở trạng thái ATM.
  • Nếu ST > X: Nhà giao dịch sẽ không thực hiện quyền, bởi họ sẽ lỗ thêm nếu thực hiện. Khi đó quyền chọn sẽ ở trạng thái OTM.

Như vậy, giá trị của một vị thế Long Put sẽ là Max(0, X – ST). Nếu giá của quyền chọn tại thời điểm bạn mua là p0, thì lợi nhuận của vị thế này sẽ là:

Lợi nhuận = Max(0, X – ST) – p0

Giá trị và lợi nhuận của vị thế Long Put cũng phụ thuộc vào giá của tài sản cơ sở, được minh họa như hình dưới đây.

Lợi nhuận, giá trị của vị thế Long Put với giá của tài sản cơ sở  

Giống như Long Call, giá của tài sản cơ sở vào thời điểm thanh toán phải thấp hơn X – p0 để giúp bạn có lợi nhuận khi Long Put. Mức rủi ro tối đa của vị thế này là p0.

Vị thế Short

Trái ngược hoàn toàn với Long quyền chọn, các nhà giao dịch Short quyền chọn lại không có nhiều ưu điểm như vậy.

  • Bạn không có quyền thực hiện quyền chọn như phe Long. Thay vào đó, việc thanh toán quyền chọn sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào những trader Long quyền chọn: Nếu họ thực hiện quyền chọn, bạn phải thanh toán cho họ số tiền chênh lệch, hoặc giao dịch tài sản cơ sở với họ tại giá thực hiện.
  • Lợi nhuận được giới hạn và rủi ro vô hạn: Bạn sẽ chỉ nhận lại được mức premium khi Short quyền chọn, trong khi đó, bạn sẽ phải thanh toán cho những người nắm giữ quyền chọn một khoản bằng giá trị của quyền chọn, khi quyền chọn là ITM. Mức value này có thể là rất lớn. Nếu quyền chọn là OTM, phe Long chắc chắn sẽ không thực hiện quyền, do đó lợi nhuận sẽ chỉ được giới hạn. Ngay cả khi bạn giao dịch để hưởng chênh lệch giá, giá của một quyền chọn cũng không thể giảm xuống dưới 0, nên lợi nhuận tối đa khi Short quyền chọn cũng chỉ được giới hạn ở mức premium.

Tuy vậy, điều gì khiến các nhà giao dịch vẫn Short quyền chọn? Hãy phân tích chi tiết các vị thế.

Short Call

Các vị thế Short Call sẽ trái ngược hoàn toàn với vị thế Long Call, bởi họ sẽ nhận premium từ các nhà giao dịch Long Call, và thanh toán giá trị khi họ thực hiện. Do đó, giá trị và lợi nhuận của vị thế này sẽ ngược dấu với vị thế Long Call, cụ thể:

Giá trị = –Max(0, ST – X)

Lợi nhuận = c0 – Max(0, ST – X)

Lợi nhuận, giá trị của vị thế Short Call với giá của tài sản cơ sở

Như vậy, các nhà giao dịch sẽ Short Call khi họ cho rằng giá của tài sản cơ sở sẽ giảm. Tuy vậy, lợi nhuận sẽ chỉ được giới hạn ở mức c0 còn nhà giao dịch có thể lỗ một số tiền rất lớn. Tuy vậy, nếu so sánh với Long Put, Short Call sẽ tỏ ra lợi hại nếu thị trường ít biến động, bởi sinh lời nhiều hơn so với Long Put và Short tài sản cơ sở.

Hãy thử một ví dụ, nhà giao dịch A Short 1 hợp đồng CFD với tài sản cơ sở là 1 ounce vàng tại mức $1,830/oz. Nhà giao dịch B Short một quyền chọn call với tài sản cơ sở là 1 ounce vàng, với giá thực hiện $1,830/oz, giá quyền chọn là $15. Nhà giao dịch C Long Put với tài sản cơ sở và giá thực hiện tương tự, giá quyền chọn là $15. Bảng dưới đây minh họa lợi nhuận của các nhà giao dịch khi giá vàng thay đổi (bạn đọc tự kiểm chứng các phép toán dựa trên các công thức được giới thiệu phía trên).

Giá vàng Lợi nhuận của trader A Lợi nhuận của trader B Lợi nhuận của trader C
$1,800/oz $30 $15 $15
$1,825/oz $5 $15 -$10
$1,830/oz 0 $15 -$15
$1,835/oz -$5 $10 -$15
$1,860/oz -$30 -$15 -$15

Vậy bạn có thể thấy, khi giá vàng ít biến động, Short Call sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn Long Put hoặc Short vàng. Khi giá biến động mạnh, Short Call sẽ không hấp dẫn.

Short Put

Các vị thế Short Put sẽ trái ngược hoàn toàn với vị thế Long Put, bởi họ sẽ nhận premium từ các nhà giao dịch Long Put, và thanh toán giá trị khi họ thực hiện. Do đó, giá trị và lợi nhuận của vị thế này sẽ ngược dấu với vị thế Long Put, cụ thể:

Giá trị = –Max(0, X – ST)

Lợi nhuận = p0 – Max(0, X – ST)

Lợi nhuận, giá trị của vị thế Short Put với giá của tài sản cơ sở  

Các nhà đầu tư sẽ Short Put khi cho rằng giá của tài sản cơ sở sẽ tăng, và cũng giống như Short Call vừa được trình bày ở phía trên, Short Put sẽ hấp dẫn khi thị trường ít biến động.

Bài viết liên quan