fbpx

Lạm phát của Mỹ lập đỉnh mới chưa từng có trong 40 năm, thị trường đặt cược tới 85% khả năng Fed tăng lãi suất vào tháng 3

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy thị trường lao động đang ở mức hoặc gần mức tối đa tối đa việc làm. Chủ tịch Fed, Jerome Powell, trong phiên điều trần trước Quốc hội hôm thứ Ba (11/1) cho biết ngân hàng trung ương Mỹ đã sẵn sàng làm những gì cần thiết để lạm phát cao không kéo dài.

“Fed sẽ buộc phải bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 và tùy thuộc vào áp lực chính trị đối với họ – từ cả hai phía – sẽ phải tăng lãi suất bốn lần trở lên trong năm nay, thậm chí có khả năng nhiều hơn thế”, Chris Zaccarelli, giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, cho biết.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,5% trong tháng 12/2021 so với tháng liền trước, sau khi tăng 0,8% trong tháng 11. Ngoài giá thuê nhà tăng, người tiêu dùng cũng trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm, mặc dù mức tăng 0,5% của giá thực phẩm ít hơn so với những tháng gần đây. Giá xăng giảm 0,5% sau khi tăng 6,1% trong cả tháng 11 và tháng 10.

Nếu so theo năm, lạm phát giá tiêu dùng ở Mỹ tháng 12 tăng 7%, mức cao chưa từng có kể từ tháng 6 năm 1982, và cũng tăng so với mức 6,8% của tháng 11.

Tỷ lệ 7% đúng với dự báo trong cuộc thăm dò của Reuters. Chứng khoán Mỹ mở cửa phiên 12/7 tăng do nhà đầu tư “nhẹ nhõm” vì lạm phát giá tháng 12 đúng như dự đoán. Đồng USD giảm so với rổ các đồng tiền chủ chốt, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.

Tỷ lệ lạm phát của Mỹ cao nhất gần 40 năm.

Nền kinh tế Mỹ đang bị lạm phát cao do đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng. Chi phí sinh hoạt tăng đang đè nặng lên uy tín của Tổng thống Joe Biden.

Tỷ lệ lạm phát hiện nay ở Mỹ quá cao so với mục tiêu của Fed là 2%.

Nếu loại trừ các thành phần lương thực và năng lượng có nhiều biến động, CPI Mỹ tháng 12/2021 tăng 0,6% sau khi tăng 0,5% trong tháng 11.

CPI lõi trong tháng qua tăng mạnh bởi giá thuê nhà tăng cao, với giá thuê tương đương căn hộ chính của chủ sở hữu, là số tiền mà chủ nhà sẽ nhận được khi cho thuê nhà, tăng 0,4% trong tháng thứ ba liên tiếp.

Giá ô tô và xe tải đã qua sử dụng cũng tăng mạnh 3,5% trong tháng 12, sau khi tăng 2,5% trong hai tháng trước đó. Mức tăng cao có thể phản ánh cơn bão Ida – đã phá hủy hàng nghìn phương tiện cơ giới và các tài sản khác.

Giá xe có động cơ mới tăng 1,0%, đánh dấu tháng tăng thứ 9 liên tiếp. Sự thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu đã làm giảm sản lượng xe có động cơ.

Giá đồ đạc và hoạt động gia đình tăng 1,1%, trong khi chỉ số may mặc tăng 1,7%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 1 năm 2021. Chi phí chăm sóc sức khỏe tăng 0,3%.

Trong cả năm 2021, chỉ số CPI lõi đã tăng 5,5%. Đây là mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 2 năm 1991, sau khi tăng 4,9% vào tháng 11.

Chính phủ Mỹ hôm thứ Sáu (7/1) thông báo tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 22 tháng, là 3,9% trong tháng 12. Số việc làm đã được khôi phục nhanh hơn dự kiến, đạt 84% so với thời điểm dịch bùng phát vào tháng 4/2020. Riêng tháng 12/2021, thị trường việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp chỉ tuyển thêm 199.000 việc làm mới – mức thấp nhất trong năm 2021, cho thấy tình trạng khan hiếm lao động và làn sóng dịch mới bùng phát đang cản trở các nhà tuyển dụng.

Thị trường tiền tệ hiện đang đặt cược tới 85% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 3, và tổng cộng ít nhất ba lần tăng trong năm nay, mỗi lần tăng thêm ¼ điểm phần trăm.

Một số ngân hàng dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất tới 4 lần trong năm nay, trong đó có các ngân hàng: Goldman Sachs, J.P.Morgan và Deutsche Bank. Việc Fed tăng lãi suất quá nhanh gây lo ngại có thể làm xáo trộn thị trường tài chính và siết chặt các điều kiện tài chính trên toàn cầu.

Các nhà kinh tế tin rằng tỷ lệ CPI của Mỹ có thể đã đạt “đỉnh” vào tháng 12, hoặc có thể sẽ tăng tiếp tới khoảng tháng 3/2022 sẽ đạt “đỉnh”.

Có những dấu hiệu cho thấy tình trạng tắc nghẽn nguồn cung đang bắt đầu giảm bớt. Một cuộc khảo sát của Viện Quản lý Nguồn cung vào tuần trước cho thấy các nhà sản xuất báo cáo việc giao hàng của nhà cung cấp trong tháng 12 đã được cải thiện.

Tuy nhiên, số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt do biến thể Omicron có thể làm chậm tiến độ bình thường hóa chuỗi cung ứng.

Cho đến nay, lạm phát cao vẫn chưa ảnh hưởng quá nhiều tới tâm lý lạc quan của người Mỹ về nền kinh tế. Tuy nhiên, sự gia tăng liên tục chi phí nhà ở và các chi phí cơ bản khác có thể sẽ làm thay đổi điều đó trong năm nay.

DALE BUSINESS ANALYTICS BASEL MARKETS

Bài viết liên quan