fbpx

Sự thật đằng sau những trồi sụt thất thường của đồng Bitcoin

BASEL MARKETS – Đồng tiền điện tử lớn nhất này năm nay bước sang tuổi 13 và đang có những dấu hiệu sẽ trở thành một tài sản chính trưởng thành hơn. Giá Bitcoin đã hồi phục mạnh mẽ sau phiên giảm mạnh ngày hôm qua. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng với những ‘cơn thịnh nộ’ của lứa tuổi thanh thiếu niên.

Đồng Bitcoin đang trong giai đoạn biến động rất mạnh. Chỉ trong vài tiếng, đồng tiền này có thể tăng hoặc giảm tới cả chục phần trăm.

Sự thật đằng sau những trồi sụt thất thường của đồng Bitcoin - Ảnh 1.
Diễn biến giá Bitcoin 24 giờ qua.

Xu hướng chung của đồng Bitcoin vẫn được chi phối bởi sự đặt cược quy mô lớn của các tổ chức đầu tư. Tuy nhiên, loại tiền này đã trở nên nhạy cảm nhiều hơn với lãi suất, và tháng này bị bán tháo mạnh mẽ khi các nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần đón nhận kết quả ‘diều hâu’ từ cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Bitcoin được ra đời vào năm 2009. Cho đến nay, loại tiền này vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính giữa chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ trước đó của Fed, từ năm 2016 đến năm 2019, và hầu như không tương quan với thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, theo thời gian, mọi thứ đã thay đổi.

Kể từ đầu năm 2020, Bitcoin đã trở nên có mối tương quan mật thiết với chỉ số S&P 500, theo dữ liệu của Refinitiv, có nghĩa là chúng tăng và giảm cùng nhau. Hệ số tương quan của hai loại tài sản này hiện đã tăng lên 0,41 từ mức 0,1 vào tháng 9/2020, trong đó mức 0 có nghĩa là không có tương quan gì, và 1 có nghĩa là chuyển động hoàn toàn đồng bộ cùng nhau.

Ngược lại, hệ số đó trong giai đoạn 2017-2019 chỉ là 0,01, theo một phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế được công bố trong tháng này.

Ben McMillan, giám đốc đầu tư của IDX Digital Assets có trụ sở tại Arizona cho biết: “Giờ đây bitcoin không hoàn toàn do những người chấp nhận sớm loại tiền này nắm giữ, mà nằm trong danh mục đầu tư 60/40”, đề cập đến chiến lược phân bổ 60% danh mục đầu tư đối với cổ phiếu tương đối rủi ro và 40% đối với trái phiếu.

“Không có gì ngạc nhiên khi Bitcoin bắt đầu giao dịch một cách nhạy cảm hơn với lãi suất.”

Bitcoin đóng cửa phiên thứ Sáu (21/1) ở mức dưới 40.000 đô la lần đầu tiên kể từ tháng 8 năm 2021, lùi rất xa khỏi mức đỉnh cao lịch sử đạt được hồi tháng 11 năm ngoái, là 69.000 USD.

Sự thật đằng sau những trồi sụt thất thường của đồng Bitcoin - Ảnh 2.
Bitcoin trở nên tương quan mật thiết với S&P 500.

Là cứu cánh chống lại lạm phát?

Thị trường tiền điện tử ngày càng bị chi phối bởi các nhà đầu tư lớn, thay vì những người chơi nhỏ lẻ – những người đã thúc đẩy các chuyển động ban đầu của loại hình này.

Theo nhà cung cấp dữ liệu CryptoCompare, tổng tài sản được quản lý bởi các sản phẩm đầu tư tiền điện tử tập trung vào tổ chức đã tăng vào từ 36 tỷ USD tháng 1/2021 lên 58 tỷ USD tháng 12/2021.

Trên hết, không kể việc các công ty như Tesla và MicroStrategy mua vào một cách mạnh mẽ, cộng với các quỹ đầu cơ bổ sung tiền điện tử vào danh mục đầu tư của họ.

CryptoCompare cho biết: “Hệ sinh thái tiền điện tử đã phát triển từ tổng định giá thị trường là 767 tỷ đô la vào đầu năm 2021 lên 2,22 nghìn tỷ đô la vào cuối năm 2021”.

Sự chuyển hướng sang lĩnh vực tài chính chính thống đặt ra những câu hỏi lớn hơn cho năm 2022 và xa hơn nữa về việc liệu Bitcoin có thể giữ được vai trò như một sản phẩm tài chính có thể đa dạng hóa trong danh mục đầu tư và phòng hộ chống lại lạm phát hay không?

Các nhà nghiên cứu của IMF cho biết, mối tương quan ngày càng tăng của bitcoin với chứng khoán đã hạn chế “mặt tích cực là nhận thức về đa dạng hóa tài sản rủi ro và làm tăng nguy cơ bị tác động lây lan trên các thị trường tài chính”.

Bitcoin cũng thường được coi là hàng rào chống lại lạm phát, chủ yếu là do nguồn cung hạn chế giống như vàng, một kho lưu trữ giá trị được thiết lập trong môi trường lạm phát. Tuy nhiên, mối tương quan của Bitcoin với chứng khoán đã cho thấy loại tiền này ngày càng bị cuốn theo các thị trường rộng lớn hơn bởi lạm phát của Mỹ – tăng mạnh nhất trong gần 4 thập kỷ vào tháng 12/2021.

Sự thật đằng sau những trồi sụt thất thường của đồng Bitcoin - Ảnh 3.
Diễn biến Bitcoin và vàng đang trái ngược nhau.

Nicholas Cawley, chiến lược gia của DailyFX, có trụ sở tại London, cho biết: “Trong trường hợp hiện tại, bitcoin không hoạt động như một biện pháp phòng ngừa lạm phát. Bitcoin đang hoạt động như một ủy quyền rủi ro”.

Jeff Dorman, CIO của công ty quản lý tài sản kỹ thuật số Arca ở Los Angeles, nói thêm: “Thật là mỉa mai khi việc nhiều tài sản kỹ thuật số tăng giá vào mùa xuân năm 2020 là do dự báo lạm pahts tăng. Bây giờ lạm phát quá cao đã trở thành hiện thực và điều đó lại gây áp lực lên giá cả”.

Sự thật đằng sau những trồi sụt thất thường của đồng Bitcoin - Ảnh 4.
So sánh Bitcoin với các rào cản truyền thống chống lạm phát.

Liệu Bitcoin có đang ‘ém’ mình chờ tăng giá mạnh hơn nữa?

Có nhiều bằng chứng cho thấy ngày càng có nhiều nhà đầu tư ngày càng nắm giữ bitcoin trong thời gian dài.

Kraken Intelligence, một blog nghiên cứu thuộc sàn giao dịch tiền điện tử Kraken, cho biết khoảng 60% tổng số bitcoin đang lưu hành đã không được đổi chủ trong hơn một năm qua, mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2020.

Trong khi đó, tỷ lệ tài trợ cho các giao dịch hoán đổi vĩnh viễn trên các sàn giao dịch lớn – biểu thị tâm lý của các nhà đầu tư đặt cược vào biến động giá của bitcoin trong tương lai – khá bằng phẳng, dao động quanh ngưỡng 0,01%, theo dữ liệu của nền tảng Coinglass.

Tỷ lệ này tăng lên sẽ chứng tỏ các nhà giao dịch đang tăng giá, vì họ phải trả tiền để giữ một vị thế mua, trong khi tỷ lệ giảm có nghĩa là các nhà giao dịch phải trả tiền để giữ một vị thế bán hoặc đặt cược vào giá giảm.

Theo nhà cung cấp dữ liệu chuỗi khối Glassnode: “Thị trường đang đối mặt với tình trạng giá hỗn loạn, báo hiệu rằng nhóm người nắm giữ Bitcoin này đang kiên nhẫn chờ đợi giá tăng lên để đẩy mạnh bán ra”.

DALE BUSINESS ANALYTICS BASEL MARKETS

Bài viết liên quan