fbpx

Lo lắng về nguồn cung vẫn còn, giá dầu tăng nhẹ

Giá dầu tăng nhẹ trong ngày 27/4 khi mối lo khan hiếm nguồn cung vẫn chưa được cải thiện.

Thị trường dầu mỏ bất ngờ phục hồi cuối phiên sau khi giảm điểm phần lớn thời gian trong ngày, do giá trị đồng USD tăng và những khó khăn của Trung Quốc trong quá trình phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, việc Nga ngừng cung cấp khí đốt tới hai quốc gia châu Âu đã khiến cho không ít người cảm thấy lo lắng về tình hình nguồn cung dầu trong tương lai.

Giá dầu Brent tương lai tăng 0,33 USD lên 105,32 USD/thùng. Dầu WTI tăng 0,32 USD, lên 102,02 USD/thùng.

Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu thô của nước này tăng 692.000 thùng trong tuần trước, thấp hơn dự báo, trong khi dự trữ các sản phẩm dầu chưng cất, bao gồm dầu diesel và nhiên liệu máy bay, giảm xuống ngưỡng thấp nhất từ tháng 5/2008.

Sự sụt giảm lượng dầu chưng cất dự trữ đã thúc đẩy giá dầu tăng lên. Các công ty lọc hóa dầu tại Mỹ đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đặc biệt là châu Âu, khu vực sử dụng nhiều dầu diesel.

Thị trường năng lượng toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều gián đoạn lớn ảnh hưởng tới nguồn cung sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Nhiều lệnh cấm vận đã được ban bố nhắm vào Nga từ Mỹ và các đồng minh.

Công ty năng lượng Shell của Anh cho biết họ không chấp nhận các sản phẩm có pha trộn dầu của Nga, trong khi Exxon Mobil chia sẻ rằng công ty đã tuyên bố trường hợp bất khả kháng liên quan tới hoạt động của hệ thống đường ông Sakhalin-1 nằm tại khu vực Viễn Đông.

Trong tuần này, Moscow đã gia tăng sử dụng “vũ khí” năng lượng để trả đũa các quốc gia phương Tây. Tập đoàn Gazprom cho biết họ đã dừng cung cấp khí đốt tới Bulgaria và Ba Lan.

“Nga muốn các quốc gia đó thanh toán tiền nhập khẩu bằng đồng ruble,và nhiều người lo ngại rằng Nga sẽ làm điều tương tự đối với sản phẩm dầu mỏ”, theo Claudio Galimberti, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Rystad.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Nga đang dùng năng lượng để “tống tiền” Liên minh châu Âu, nhưng bổ sung rằng kỷ nguyên năng lượng hóa thạch của Nga tại đây đang dần đi đến hồi kết.

Thị trường đối diện với nhiều áp lực từ đà tăng giá của đồng USD. Vì phần lớn các hợp đồng mua bán dầu được thực hiện bằng đồng USD, việc đồng tiền này tăng giá sẽ khiến chi phí nhập khẩu tăng lên đáng kể.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết họ sẽ có những hỗ trợ chính sách tiền tệ trong bối cảnh Bắc Kinh đang chạy đua kiểm soát Covid-19 nhằm tránh phải áp dụng chiến lược phong tỏa trên diện rộng giống như Thượng Hải.

Kim loại quý

Trong ngày 27/4, giá vàng giảm thấp hơn ngưỡng hỗ trợ 1.900 USD/ounce trong bối cảnh đồng USD liên tiếp tăng giá và đã quay trở lại ngưỡng ngang bằng với giai đoạn dịch bệnh bùng phát.

Đồng USD tăng giá mạnh trong vài tuần trở lại đây trước nhận định Fed sẽ tăng mạnh lãi suất kể từ tháng 5 tới.

Trong phiên giao dịch 27/4, giá vàng tương lai giao tháng 6 trên sàn Comex, New York giảm 15,4 USD, tương đương 0,8% xuống còn 1.888,7 USD/ounce.

Sau khi kéo lãi suất về 0 từ thời điểm đại dịch bùng phát, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức tăng lãi suất lần đầu tiên sau nhiều năm trong ngày 16/3 vừa qua, với mức tăng 0,25%, và úp mở kế hoạch tăng mạnh lãi suất hơn nữa để kiểm soát lạm phát.

Đà tăng giá của đồng USD đã ảnh hưởng tới giá vàng, vốn đã tăng lên ngưỡng cao nhất 1 tháng 2.003 USD/ounce hồi tuần trước.

“Tháng 4 là một tháng kỳ lạ đối với giá vàng khi có thời điểm tăng lên ngưỡng hơn 2.000 USD/ounce nhưng lại nhanh chóng giảm xuống ngưỡng 1.900 USD/ounce”, Craig Erlam, chuyên gia phân tích tới từ OANDA chia sẻ.

DALE BUSINESS ANALYST GALLEN CAPITAL

Bài viết liên quan