fbpx

Lãi suất tăng tác động như thế nào?

Kỷ nguyên tiền rẻ đã kết thúc. Trong thời gian gần đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không hề giấu ý định quyết liệt siết chính sách nhằm kiểm soát lạm phát.

Trong ngày 4/5, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,5%, mức tăng cao nhất trong 22 năm qua. Đây là lần thứ 2 Fed quyết định tăng lãi suất trong năm 2022 sau lần đầu tiên hồi giữa tháng 3. Lần gần nhất Fed nâng lãi suất trước năm 2022 là cuối năm 2018.

Việc Fed tăng lãi suất được hậu thuẫn bởi diễn biến tích cực trên thị trường việc làm. Tuy nhiên, tốc độ tăng lãi suất mạnh được đưa ra khi họ quan ngại về tình hình lạm phát leo thang.

Lạm phát, với chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 của Mỹ tăng nhanh nhất 40 năm, thậm chí buộc Fed phải nhiều lần nâng lãi suất trong thời gian tới.

rate-hike-jpg96-6995-1651735571.jpg

Diễn biến lãi suất tại Mỹ trong hơn 40 năm qua, với đường màu đỏ đại diễn cho những lần lãi suất tăng ít nhất 0,5%. Ảnh: CNN.

Người dân Mỹ sẽ cảm nhận được những tác động đầu tiên từ những khoản vay. Các khoản vay thế chấp, mua ôtô sẽ không còn rẻ nữa. Tuy nhiên, tiền trong ngân hàng sẽ giúp cho người gửi nhận về một khoản lãi nhất định, tuy không nhiều.

“Tiền sẽ không còn rẻ nữa”, theo Joe Brusuelas, kinh tế trưởng tại RSM US.

Khi đại dịch bùng nổ, Fed đã nhanh chóng kéo giảm lãi suất nhằm thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình và doanh nghiệp. Để có thể hỗ trợ thêm nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, ngân hàng trung ương Mỹ in thêm hàng nghìn tỷ USD thông qua một chương trình có tên gọi nới lỏng định lượng. Và khi thị trường tín dụng đóng băng vào tháng 3/2020, Fed cũng đã ngay lập tức tung ra nhiều gói thấu chi tín dụng nhằm hỗ trợ thị trường.

Những biện pháp kịp thời của Fed đã phát huy tác dụng. Một cuộc khủng hoảng tài chính gây ra bởi đại dịch Covid-19 đã không xảy ra. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin và khoản chi tiêu “khổng lồ” phê duyệt bởi Quốc hội đã tạo điều kiện cho nền kinh tế Mỹ phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp, cùng với đó là sự chậm trễ của Fed, lại góp phần đẩy nền kinh tế Mỹ vào tình trạng “quá nóng” như hiện tại.

Tỷ lệ thất nghiệp đang ở ngưỡng thấp nhất 50 năm, còn lạm phát thì ngược lại. Những gói hỗ trợ như trước kia là không còn cần thiết đối với nền kinh tế Mỹ nữa.

Chi phí đi vay không còn rẻ

Mỗi khi Fed tăng lãi suất, chi phí đi vay chắc chắn sẽ tăng theo. Điều đó đồng nghĩa với việc các khoản vay thế chấp, vay mua nhà, mua xe, vay học phí và thẻ tín dụng sẽ không còn rẻ nữa. Các khoản vay sản xuất cũng trở nên đắt đỏ hơn đối với doanh nghiệp.

Lãi suất các khoản vay thế chấp tăng lên sẽ khiến cho nhiều người không thể hiện thực hóa giấc mơ mua nhà khi giá nhà đất đã tăng phi mã trong suốt thời gian đại dịch. Nhu cầu thị trường xuống thấp sẽ giúp giá nhà ổn định trở lại.

Mức giá trung bình cho một căn nhà bán ra trong tháng 3 tại Mỹ tăng 15%, lên ngưỡng 375.000 USD/căn, theo Hiệp hội chuyên viên địa ốc Mỹ.

Lạm phát tăng cao bao nhiêu?

Nhà đầu tư dự báo Fed sẽ tăng lãi suất lên ngưỡng 3% vào cuối năm nay.

Trong quá khứ, Fed nâng lãi suất lên 2,37% trước giai đoạn cuối năm 2018. Lãi suất ở ngưỡng 5,25% trước khi cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 nổ ra.

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, khi đó Fed được dẫn dắt bởi Paul Volcke, cơ quan này đã tăng lãi suất lên ngưỡng cao kỷ lục 22% nhằm đối phó với lạm phát.

Tin tốt đối với những khoản tiền tiết kiệm

Lãi suất thấp không phải là thông tin tốt đối với người gửi tiền. Tiền gửi trong các tài khoản tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, và thị trường tiền tệ không hề mang lại chút lợi nhuận nào trong suốt giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Nếu tính tới lạm phát, khoản tiền của họ thậm chí còn co lại.

Thông tin tốt là lãi suất tiết kiệm sẽ tăng lên khi Fed nâng lãi suất. Người gửi tiền sẽ bắt đầu nhận được lãi suất từ các khoản tiết kiệm của mình. Nhưng quá trình này sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều. Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là với các tài khoản tiền gửi truyền thống, tác động sẽ không thể cảm nhận rõ rệt chỉ sau một đêm.

Kể cả sau nhiều lần Fed nâng lãi suất, lãi suất tiết kiệm vẫn duy trì ở mức thấp hơn lạm phát và lợi suất kỳ vọng của thị trường chứng khoán.

jeromepowell-e1651694960342-3444-1651735

Chủ tịch Fed Jerome Powell chủ trì phiên họp báo công bố tăng lãi suất ngày 4/5. Ảnh: Getty.

Thị trường phải thích ứng

Thị trường chứng khoán Mỹ đã có hai năm tuyệt vời nhờ vào “tiền rẻ”.

Chi phí đi vay và lợi suất trái phiếu chính phủ thấp đã khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang các loại hình tài sản rủi ro hơn giống như cổ phiếu.

Lãi suất tăng chắc chắn sẽ là một thách thức đối với thị trường chứng khoán. Thị trường đã có sự biến động lớn thời gian gần đây trong bối cảnh tâm lý lo ngại liên quan tới kế hoạch kiểm soát lạm phát của Fed tăng cao.

Nhưng tác động ở mức độ nào sẽ phụ thuộc vào diễn biến kế hoạch tăng lãi suất của Fed, cũng như thực tế lợi nhuận doanh nghiệp, tăng trưởng nền kinh tế sau khi Fed thực hiện những đợt nâng lãi suất đó.

Ít nhất, lãi suất tăng đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn tời từ trái phiếu chính phủ.

Lạm phát sẽ giảm?

Mục tiêu tăng lãi suất của Fed là kiểm soát lạm phát, và duy trì đà tăng trưởng của thị trường việc làm.

Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 8,5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm trước, nhanh nhất từ tháng 12/1981. Lạm phát hiện cao hơn ngưỡng mục tiêu 2% của Fed rất nhiều, và đang có xu hướng tăng lên trong một vài tháng gần đây.

Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo lạm phát sẽ diễn biến xấu hơn trong bối cảnh giá cả hàng hóa toàn cầu leo thang sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Giá thực phẩm, năng lượng và kim loại liên tục tăng cao, dù giá dầu đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Chi phí sinh hoạt tăng lên gây ra tình trạng khó khăn tài chính cho hàng triệu người dân Mỹ, kéo giảm chỉ số tâm lý người tiêu dùng xuống ngưỡng thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua. Đó là còn chưa kể tới tỷ lệ tín nhiệm thấp đối với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.

Sẽ cần thời gian để những động thái mạnh tay từ Fed có thể thực sự khiến lạm phát “hạ nhiệt”. Cho dù sau đó, diễn biến lạm phát vẫn sẽ nương theo những diễn biến chiến sự tại Ukraine, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và dịch bệnh Covid-19.

DALE BUSINESS ANALYST GALLEN CAPITAL

Bài viết liên quan