fbpx

Trung Quốc gia tăng mua dầu thô và than giá rẻ của Nga

Cơn khát của Trung Quốc đối với hàng hóa năng lượng nước ngoài đang suy giảm do nhu cầu ảm đạm ở trong nước nhưng dầu thô và than của Nga là một ngoại lệ. Trong tháng trước, Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu than và dầu thô của Nga, đang được bán với giá giảm sâu do bị các khách hàng phương Tây tẩy chay kể từ sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.

Số liệu của Tổng Cục hải quan Trung Quốc (GACC), công bố hôm 20-8, cho thấy Nga vẫn đứng trên Saudi Arabia với tư cách là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc trong tháng thứ 3 liên tiếp. Dù khối lượng nhập khẩu dầu thô từ Nga trong tháng 7 giảm nhẹ so với tháng 6, xuống còn 7,15 triệu tấn nhưng vẫn cao 7,6% so với cách đây một năm.

Trong khi đó, khối lượng than nhập khẩu từ Nga cũng tăng 14,4% lên mức cao kỷ lục 7,42 triệu tấn trong tháng 7, trong đó, than cốc sử dụng cho ngành công nghiệp thép chiếm 2 triệu tấn, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021. Nga giờ đây là nhà cung cấp than lớn nhất cho Trung Quốc, thay thế Indonesia sau khi quốc gia Đông Nam Á này tăng giá bán than.

Hồi cuối tháng 7, giá than nhiệt lượng cao của Nga giao dịch với giá 150 đô la/tấn, bao gồm cả chi phí vận chuyển đến cảng của người mua. Trong khi đó, giá than nhiệt lượng cao xuất từ cảng Newcastle của Úc có giá FOB (giá tại cửa khẩu của bên phía bán) hơn 210 đô la/tấn.

Nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga của Trung Quốc giảm so với tháng 6 xuống còn 410.000 tấn nhưng con số này cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, khối lượng nhập khẩu này chưa tính khí đốt của Nga xuất khẩu bằng đường ống qua Trung Quốc.

Nhu cầu của Trung Quốc đối với năng lượng nước ngoài đã yếu đi trong vài tháng qua khi cuộc khủng hoảng bất động sản trong nước ngày càng trầm trọng và các lệnh phong tỏa kiểm soát dịch bệnh Covid-19 gây sức ép lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, kìm hãm nhu cầu nhiên liệu trong nước. Trong tháng trước, nhập khẩu than và dầu thô của Trung Quốc từ các nhà cung cấp trên toàn cầu giảm lần lượt 22% và 9,5%, theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc. Nhưng các mặt hàng năng lượng giảm giá của Nga là một ngoại lệ. Trong tháng 7, Trung Quốc nhập khẩu 7,2 tỉ đô la các mặt hàng năng lượng từ Nga, cao hơn so với 4,7 tỉ đô la vào tháng 7 năm ngoái.

Dữ liệu của GACC cho thấy trong giai đoạn từ tháng 3, sau khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, đến tháng 7, Trung Quốc đã nhập khẩu 35 tỉ đô la dầu thô, các chế phẩm dầu mỏ, khí đốt và than từ Nga, tăng so với 20 tỉ đô la vào cùng kỳ năm ngoái.

Dù giá trị nhập khẩu bị tăng cao một phần do giá năng lượng toàn cầu tăng nhưng Trung Quốc vẫn đang tiếp tục nhập khẩu năng lượng nhiều hơn, đôi khi với mức chiết khấu, từ đồng minh chiến lược của mình.

Hầu hết dầu thô vận chuyển bằng đường biển từ Nga sang Trung Quốc từng là dầu ESPO Blend từ cảng Kozmino ở vùng viễn đông của Nga. Theo báo cáo của S&P Global, trong khi dầu thô Urals, loại dầu xuất khẩu chính của Nga, bị các khách hàng châu Âu hắt hủi, dòng chảy dầu Urals sang Trung Quốc tăng mạnh. Báo cáo cho biết nhập khẩu dầu thô Nga trung bình hàng ngày của Trung Quốc đạt 1,03 triệu thùng / ngày trong tháng 7, giảm gần 6% so với tháng trước, nhưng khối lượng dầu thô Urals nhập khẩu tăng đến 34%.  Giá dầu Urals đang giao dịch thấp hơn 20-25 đô la/thùng so với giá dầu Brent. Mức chênh lệch này có khi lên đến 35 đô la/thùng trong những tháng trước.

Gần 70% lượng dầu thô Urals nhập vào Trung Quốc trong tháng trước được bốc dỡ tại các cảng Đông Gia Khẩu và Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông, một trung tâm của các nhà máy lọc dầu nhỏ thuộc sở hữu tư nhân.

“Điều này phản ánh nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà máy lọc dầu địa phương ở Trung Quốc. Trước đây, một lượng nhỏ dầu thô Urals đến Trung Quốc thường được các nhà máy lọc dầu quốc doanh hấp thụ”, báo cáo của S&P Global cho hay.

Các  nhà phân tích của S&P Global giải thích rằng cơn suy thoái trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng của Trung Quốc đã khiến lượng xăng dầu tồn kho tăng lên, do đó các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc vẫn chưa phục hồi đáng kể các hoạt động.

Trung Quốc dự kiến sẽ mua thêm than của Nga trong những tháng tới, đặc biệt là khi nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu điện khi các đợt nắng nóng khắc nghiệt ở lưu vực sông Dương Tử làm suy giảm công suất thủy điện và đẩy tăng nhu cầu than ở các nhà máy nhiệt điện. Lệnh cấm vận than Nga của Liên minh châu Âu (EU), có hiệu lực vào ngày 11-8, sẽ càng thúc đẩy Nga bán than sang cho các khách hàng ở châu Á bao gồm Trung Quốc.

Nhập khẩu than Nga của Trung Quốc gia tăng kể từ cuối năm 2020, sau khi Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm không chính thức than của Úc do căng thẳng chính trị với Canberra.

Mới đây, Phó Thủ tướng Hàn Chính cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nhà máy nhiệt điện than và các công ty khai thác than để đảm bảo nguồn năng lượng ổn định trong bối cảnh các hộ gia đình, nhà máy và văn phòng ở tỉnh Tứ Xuyên chịu cảnh mất điện liên tục do thời tiết khô hạn làm giảm công suất thủy điện.

Bài viết liên quan