fbpx

Thị trường hàng hóa: Dầu thô vượt 90 USD, giá nông sản nhảy múa

Thị trường hàng hóa: Dầu thô vượt 90 USD, giá nông sản nhảy múa

Thị trường hàng hóa toàn cầu nổi sóng trở lại với các động thái cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ hay đợt gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện của Ả-rập Xê-út.

Diễn biến giá hàng hóa tại ngày 13/09
Nguồn: Tradingeconomics

Dầu thô vượt 90 USD/thùng

Mùa hè vừa qua đã chứng kiến sự tăng giá mạnh của dầu thô, trong những ngày đầu tháng 9, giá dầu Brent vượt ngưỡng 90 USD/thùng, tăng hơn 10% so với đầu năm.

 

Về nguyên nhân tăng giá , có thể thấy các yếu tố chính thúc đẩy đà tăng giá gần đây là đến từ nguồn cung. Cụ thể, OPEC+ đã gia hạn các đợt cắt giảm sản lượng của OPEC+, trong khi Ả-rập Xê-út và Nga cũng kéo dài đợt cắt giảm nguồn cung tự nguyện.

Ở phía cầu, nhu cầu tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc liên tục tăng và hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 2 năm bất chấp quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Giá đường thế giới lên mức cao nhất trong 10 năm

Một hàng hoá khác là đường cũng tăng vọt trong thời gian gần đây. Giá đường thế giới đạt mức cao nhất 10 năm qua sau thông tin Ấn Độ dự kiến hạn chế xuất khẩu đường trong niên vụ 2023-2024. Ngoài ra, thời tiết khô hạn từ hiện tượng El Nino cũng đe doạ tới nguồn cung hàng hoá này.

 

Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) ước tính sản lượng đường sản xuất cho niên độ 2022 – 2023 chỉ đạt 34 triệu tấn, thấp hơn 2.5 triệu tấn so với dự báo gần nhất và giảm 5% so với cùng kỳ niên độ trước. Chất lượng mía thấp hơn dự kiến do điều kiện thời tiết không thuận lợi, cây mía chín sớm hơn và giảm trọng lượng.

Đối với Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng đường cũng chỉ đạt 9 triệu tấn, thấp hơn 1 triệu tấn so với dự báo trước đó và thấp hơn 6.3% so với niên độ trước.

Nhìn chung, lượng đường tồn kho trên thế giới dự kiến trong niên độ 2022 – 2023 sẽ giảm 13% so với niên độ trước, tạo áp lực khiến giá đường neo ở mức cao.

Bối cảnh trên khiến giá đường tại Việt Nam bắt đầu tăng theo thế giới. Trong tháng 8/2023, giá đường trong nước đã tăng lên mức cao nhất vài năm trở lại đây, đạt từ 20,000 – 21,500 đồng/kg, tăng 12% so với thời điểm đầu năm và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, đến ngày 28/8, có công ty đã thông báo giá đường kính trắng là 26,000 đồng/kg và đường tinh luyện là 27,000 đồng/kg.

Giá gạo châu Á lên đỉnh 15 năm

Trong khi đó, nỗi lo nguồn cung do thời tiết và chiến sự cũng đẩy giá gạo tại châu Á có lúc tăng lên mức cao nhất trong 15 năm.

Thị trường gạo và lương thực nói chung được dẫn dắt bởi kỳ vọng về tác động tiêu cực của hiện tượng El Nino cùng với việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và Nga rút khỏi thoả thuận ngũ cốc Biển Đen.

Theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo 5% tấm của nước này đã lên 648 USD một tấn vào ngày 08/09, là mức cao nhất kể từ năm 2008. Trong khi đó, giá gạo của Việt Nam cũng ở mức 630 USD/tấn.

 

Giá tăng do lo ngại nguồn cung gạo toàn cầu thiếu hụt. Thời tiết khô nóng đang đe dọa mùa màng ở Thái Lan, trong bối cảnh Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – cấm xuất khẩu một số loại gạo ra nước ngoài. Bên cạnh đó, các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nga cũng thông báo cấm xuất khẩu gạo.

Giá phân bón trở lại đà tăng

Sau giai đoạn giảm giá kéo dài, giá phân bón đã rục rịch tăng trở lại từ tháng 7/2023.

Hợp đồng tương lai phân urê vượt 450 USD/tấn lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2023 sau khi Trung Quốc yêu cầu các công ty tạm dừng xuất khẩu phân urê, từ đó làm dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung.

 

Ngoài ra, các chuyên viên phân tích cho rằng đà hồi phục của giá phân bón đến từ nhiều yếu tố hỗ trợ khác.

Việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có thể dẫn đến giá nông sản tăng mạnh và gây ảnh hưởng xấu tới an ninh lương thực, dẫn đến giá urê phục hồi ở các quốc gia do sức mua tăng và ổn định từ tuần cuối cùng của tháng 6.

Nguồn cung phân bón cũng bị thu hẹp do các nhà máy sản xuất ở Malaysia, Brunei và Indonesia đang trong quá trình bảo dưỡng. Bên cạnh đó, Chính phủ Ai Cập quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt đối với tất cả các nhà sản xuất urê tại nước này (Ai Cập chiếm 4% sản lượng sản xuất và 8% sản lượng xuất khẩu urê toàn thế giới năm 2022).

https://vn.investing.com/news/commodities-news/thi-truong-hang-hoa-dau-tho-vuot-90-usd-gia-nong-san-nhay-mua-2050861

Bài viết liên quan