fbpx

Chứng khoán Mỹ bán tháo cuối phiên, Dow Jones và S&P 500 cùng tụt điểm

Phiên đuối sức này của chứng khoán Mỹ diễn ra trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và giá dầu cùng tụt – một dấu hiệu cho thấy giới đầu tư đang lo lắng về tăng trưởng kinh tế…

Thị trường chứng khoán Mỹ không giữ được thành quả tăng vào đầu phiên và đóng cửa trong trạng thái thái giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (2/8), khi nỗi lo về biến chủng Delta của Covid-19 và sự giảm tốc của kinh tế Mỹ lấn át tâm trạng lạc quan của nhà đầu tư về những báo báo kết quả kinh doanh rực rỡ.

Chỉ số Dow Jones giảm 0,28%, chốt ở 34.831,16 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 0,18%, còn 4.387,16 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq tăng nhẹ, với mức tăng 0,06%, đóng cửa ở 14.681,07 điểm.

Phiên đuối sức này của chứng khoán Mỹ diễn ra trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và giá dầu cùng tụt – một dấu hiệu cho thấy giới đầu tư đang lo lắng về tăng trưởng kinh tế cho dù tình hình lợi nhuận của các doanh nghiệp phản ánh điều ngược lại.

“Thị trường đang trong giai đoạn khó khăn về xác định phương hướng, bởi nhà đầu tư đang cần một chất xúc tác mới để quyết định mua hay bán”, nhà phân tích Tony Dwyer thuộc Canaccord Genuity nhận định trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn. “Nỗi sợ về biến chủng Delta và triền dốc bên kia sau khi mọi thứ đã đạt đỉnh khiến nhà đầu tư cảm thấy bất an. Trong khi đó, sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ và tài khó dành cho nền kinh tế, cộng thêm mức lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh kỷ lục đang giúp duy trì lượng thanh khoản dồi dào trên thị trường”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn khoảng 1,17%, gần mức đáy gần đây thiết lập hồi giữa tháng 7. Lợi suất giảm do giá trái phiếu tăng. Phiên giảm này của lợi suất diễn ra khi số liệu từ Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm nhẹ trong tháng 7, củng cố những đánh giá trước đó cho rằng tăng trưởng kinh tế đã đạt đỉnh.

Chiến lược gia trưởng về trái phiếu của Charles Schwab, bà Kathy Jones, nói rằng mối lo về tăng trưởng giảm tốc và biến chủng Delta có thể là những lý do để lợi suất giảm sâu hơn, nhưng những yếu tố đó vẫn chưa thể giải thích được mức lợi suất hiện tại. “Tôi cho rằng cả thế giới đã kỳ vọng lợi suất tăng, và đó có thể chính là lý do khiến lợi suất không thể tăng”, bà nói.

Theo Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong 7 ngày gần nhất, nước này có bình quân hơn 63.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, gần mức cao nhất kể từ tháng 4. Các chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã bắt đầu áp các quy định mới như đeo khẩu trang trở lại.

Cổ phiếu các công ty du lịch-lữ hành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những diễn biến mới của bệnh dịch ở Mỹ, đặc biệt là cổ phiếu hàng không.

Tuy nhiên, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ vẫn đang ở gần mức cao nhất mọi thời đại thiết lập cách đây ít lâu.

“Xét cho cùng, thị trường đang bị chi phối bởi hai thứ quan trọng, một là lợi nhuận và hai là mức định giá cổ phiếu so với dự báo lợi nhuận (P/E). Cho tới khi Covid có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một trong hai thứ này, thì giá cổ phiếu vẫn có thể trụ vững”, nhà sáng lập Tom Essaye của Sevens Report nhận định trong một báo cáo.

Một thông tin khả quan trong phiên này đến từ Washington, khi các thượng nghị sỹ đưa ra một dự luật hạ tầng có sự ủng hộ của cả hai đảng vào cuối tuần vừa rồi. Dự luật bao gồm 550 tỷ USD vốn đầu tư mới trong vòng 5 năm, bên cạnh 450 tỷ USD đã được phê chuẩn. Theo kế hoạch, dự luật sẽ được bỏ phiếu thông qua tại Thượng viện vào ngày 9/8.

Cổ phiếu công ty dịch vụ tài chính và thanh toán trực tuyến Square tăng hơn 10% sau khi tuyên bố mua lại công ty cho vay online AfterPay của Australia với giá 29 tỷ USD, thanh toán hoàn toàn bằng cổ phiếu.

Một điểm sáng khác là cổ phiếu hãng xe điện Tesla với mức tăng 3,3% khi đóng cửa.

Trong số các công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 tính đến thời điểm này, có 88% đạt lợi nhuận vượt dự báo – theo dữ liệu của FactSet. Theo dự báo, tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các công ty trong chỉ số này trong quý  vừa qua đạt 85,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ 2009.

S&P 500 đã hoàn tất tháng tăng thứ 6 liên tiếp trong tháng 7, dù mức độ biến động của thị trường gia tăng do mối lo về phục hồi kinh tế có thể chậm lại do biến chủng Delta. Đây là chuỗi thời gian tăng dài nhất của S&P 500 kể từ năm 2018.

Cả tháng, Nasdaq và Dow Jones tăng tương ứng 1,2% và 1,3%, còn S&P 500 tăng gần 2,3%.

Giá vàng tuần này có thể tăng tiếp

Fed vẫn giữ chính sách nới lỏng kinh tế

DANEIL BASEL MARKETS TỔNG HỢP

Bài viết liên quan