fbpx

Các Ngân hàng Trung ương trên thế giới – Phần 8: Ngân hàng Trung ương Nhật Bản

Tổng quan

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (Bank of Japan – BoJ) là cơ quan NHTW của Nhật Bản. BoJ là nơi phát hành cũng như kiểm soát nguồn cung đồng Yên Nhật (JPY).

BoJ được thành lập vào năm 1882, trụ sở được đặt tại thủ đô Tokyo.

Mục tiêu của BoJ

Giống nhiều NHTW khác, mục tiêu kiểm soát lạm phát luôn được BoJ đặt lên hàng đầu. Chính sách tiền tệ của BoJ hướng đến mục tiêu ổn định lạm phát ở mức 2%.

Thống đốc & Ban điều hành

Ban điều hành đứng đầu trong tổ chức của BoJ, chịu trách nhiệm về các quyết định chính sách tiền tệ. Ban điều hành gồm 9 thành viên, trong đó có Thống đốc, 2 Phó Thống đốc và 6 thành viên khác. Thống đốc hiện tại của BoJ là ông Kuroda Haruhiko.

Thống đốc Kuroda Haruhiko

Chính sách tiền tệ

Lãi suất điều hành và lãi suất chính sách

Lãi suất chính sách (policy rate) mà BoJ quy định là lãi suất tiền gửi qua đêm, được áp dụng khi các ngân hàng thương mại gửi tiền tại BoJ. Hiện tại, lãi suất chính sách đang ở mức -0.1%, lần đầu tiên được cắt giảm về mức âm kể từ cuối năm 2015, khi nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang chìm trong vòng xoáy giảm phát, nhằm kích thích nền kinh tế hơn nữa và đưa lạm phát đạt mục tiêu 2%.

Lãi suất chính sách của BoJ. Ảnh: Tradingeconomics

Một loại lãi suất điều hành khác được BoJ đưa ra trong chính sách tiền tệ, đó là lãi suất vay qua đêm, mà các ngân hàng thương mại phải chịu khi vay tiền từ BoJ với kỳ hạn qua đêm. Lãi suất này đang ở mức 0.3%. BoJ cũng quy định, nếu các ngân hàng thương mại vay trong 6 ngày liên tiếp trở lên, lãi suất từ ngày thứ 6 sẽ được tính là lãi suất vay qua đêm cộng thêm 1%.

Nới lỏng định tính và định lượng

Nếu như QE bao gồm việc NHTW mua các giấy tờ có giá như trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp, thì nới lỏng định tính bao gồm cả việc nới lỏng chất lượng trung bình của các tài sản được NHTW mua vào. BoJ đã áp dụng chính sách đột phá này vào tháng 9/2011, bao gồm nới lỏng định lượng và nới lỏng định tính (Quantitative and Qualitative Easing – QQE), khi dư âm của thảm họa động đất và sóng thần ở Tohoku vào tháng 3/2011 vẫn gây ảnh hưởng quá nặng nề đến nền kinh tế. Theo đó, thông qua chương trình QQE, BoJ sẽ mua vào trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB), chứng chỉ quỹ ETF và chứng chỉ quỹ đầu tư bất động sản (Japan real estate investment trust – J-REIT). Quy mô ban đầu của chương trình QQE đó là 50 nghìn tỷ Yên mỗi năm cho JGB, 1 nghìn tỷ Yên cho các chứng chỉ quỹ ETF và 30 nghìn tỷ Yên cho J-REIT. Hiện tại, sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tốc độ mua vào của các loại tài sản trên đã tăng đáng kể, với các con số lần lượt cho các loại tài sản trên là không giới hạn, 12 nghìn tỷ Yên và 180 nghìn tỷ Yên mỗi năm.

Kiểm soát đường cong lợi suất

Vào năm 2016, để chống lại giảm phát mạnh hơn nữa, BoJ tung ra chính sách kiểm soát đường cong lợi suất. Theo đó, BoJ cam kết sẽ giữ vững lợi suất JGB 10 năm ở mức 0%, song song với QQE. Chính sách YCC này cũng phần nào khiến cho tốc độ mua vào trái phiếu chậm hơn, trong bối cảnh bảng cân đối kế toán của BoJ đã phình lên rất nhanh từ khi bắt đầu giai đoạn áp dụng QQE. Hiện tại, cả QQE cũng như YCC đều vẫn đang được BoJ áp dụng.

Lợi suất JGB 10 năm. Ảnh: Tradingview

Cơ sở cho vay doanh nghiệp

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, BoJ đã tung ra cơ sở cho vay doanh nghiệp đặc biệt, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh khoản. Thông qua chương trình này, BoJ cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp thông qua các tổ chức tín dụng tại Nhật Bản, với mức lãi suất 0%, kỳ hạn tối đa 1 năm. Quy mô của chương trình này lên tới 23 nghìn tỷ Yên.

Ngoài ra, BoJ cũng tăng cường việc mua vào thương phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, cũng là một cách dễ dàng để bơm tín dụng vào doanh nghiệp, với quy mô tối đa 7.5 nghìn tỷ Yên cho đến tháng 3/2021.

Cuộc họp chính sách tiền tệ

Những quyết định về chính sách tiền tệ của BoJ chỉ được thảo luận và quyết định trong cuộc họp chính sách tiền tệ của NHTW này. Cuộc họp được tổ chức định kỳ 8 lần trong một năm.

Bài viết liên quan