fbpx

Chứng khoán Mỹ trái chiều, S&P 500 giảm tuần thứ 8 liên tiếp

Trong phiên giao dịch 20/5, có thời điểm chỉ số S&P 500 rơi vào thị trường giá xuống khi thấp hơn 20% so với đỉnh thiết lập hồi tháng 1. Tuy nhiên, đà phục hồi muộn đã giúp chỉ số thoát này khỏi vùng tiêu cực, chốt phiên trong sắc xanh.

Theo đó, chỉ số S&P 500 tăng 0,57 điểm, tương đương 0,015% lên 3.901,36 điểm. Trước đó, có thời điểm chỉ số này giảm 2,3% so với tham chiếu. Khi đó, S&P 500 thấp hơn 20,9% so với đỉnh. Tuy nhiên, đà hồi phục cuối phiên kéo chỉ số này lên và hiện còn thấp hơn khoảng 19%.

Chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 8,77 điểm lên 31.261,90 điểm. Trước đó, có thời điểm, chỉ số này giảm hơn 600 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,3% xuống 11.354,62 điểm, chìm sâu vào thị trường giá xuống khi thấp hơn 30% so với đỉnh.

“Thị trường chứng khoán vẫn đang được định giá một các thiếu căn cứ và tâm lý thị trường đang tương đối hỗn loạn”, theo George Ball, Chủ tịch công ty đầu tư Sanders Morris Harris. “Bình quân, một giai đoạn giá xuống sẽ kéo dài gần 1 năm (338 ngày). Xu hướng giảm điểm này đã đi được 1/3 chặng đường đó, do đó tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, xen kẽ là những phiên tăng điểm ngắn hạn”.

Chốt tuần, chỉ số DowJones giảm 2,9% và có tuần giảm thứ 8 liên tiếp. Chỉ số S&P 500 giảm 3%, trong khi đó chỉ số Nasdaq giảm 3,8%. Chuỗi giảm điểm liên tiếp của hai chỉ số này đã tăng lên con số 7.

“Đà giảm điểm trong tuần qua cho thấy nhà đầu tư bắt đầu nhận thức được rằng tăng trưởng và biên lợi nhuận của thị trường chứng khoán Mỹ đang đối diện với nhiều rủi ro khi lạm phát tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao trong năm nay”, theo David Wagner, Giám đốc danh mục đầu tư tại Aptus Capital Advisors.

s-p-50020-8444-1653087117.jpg

Diễn biến chỉ số S&P 500 trong năm 2022. Ảnh: CNBC. 

Nước Mỹ đang phải đối diện với lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Tình hình còn trở nên xấu hơn khi giá năng lượng tăng cao sau cuộc xung đột tại Ukraine.

Lạm phát cao buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ phải tăng lãi suất lần đầu tiên trong tháng 3/2022 sau hơn 3 năm. Đầu tháng 5, cơ quan này thậm chí còn quyết liệt hơn khi tăng lãi suất tới 0,5%, điều họ chưa từng làm trong nhiều thập kỷ.

Đầu tiên, làn sóng bán tháo chỉ xoay quanh các cổ phiếu tăng trưởng định giá cao và cổ phiếu công nghệ. Tuy nhiên, đà giảm điểm mở rộng sang nhiều nhóm ngành khác trên thị trường. Tính đến thời điểm chốt phiên giao dịch 20/5, năng lượng là lĩnh vực duy nhất trong nhóm S&P 500 tăng trưởng trong năm nay.

Sau đó, báo cáo lợi nhuận và triển vọng ảm đạm của một số doanh nghiệp như Walmart và Target khiến nhà đầu tư quan ngại về khả năng ứng phó với lạm phát của những doanh nghiệp này, bên cạnh đó là triển vọng sức mua của người tiêu dùng trong môi trường giá cả tăng cao.

“Tới thời điểm nào đó, thị trường sẽ đảo chiều. Nhưng đó là khi những cơn gió chướng qua đi, lạm phát giảm xuống và người tiêu dùng cảm thấy tự tin chi tiêu trở lại. Sẽ còn rất lâu nữa”, theo Johan Grahn, Trưởng bộ phận chiến lược ETF tại Allianz Investment Management.

Thị trường giá xuống trong tháng 3/2020 kéo dài 33 ngày trước khi chỉ số S&P 500 hồi phục, trong bối cảnh nhà đầu tư đặt kỳ vọng lớn vào những công ty công nghệ.

Trong phiên giao dịch ngày 20/5, nhà đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu nhóm ngành sản xuất chip bán dẫn. Giá cổ phiếu của Applied Materials giảm 3,9%. Giá cổ phiếu của Nvidia và Advanced Micro Devices giảm lần lượt 2,5% và 3,3%.

Giá cổ phiếu của Deere giảm 14% sau khi công ty chế tạo linh kiện này không hoàn thành kế hoạch doanh thu. Giá cổ phiếu của Caterpillar giảm hơn 4%.

Fed đã đánh tiếng về khả năng tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Đầu tuần này, Chủ tịch Jerome Powell nói cơ quan này sẽ không do dự kéo giảm lạm phát bằng mọi giá.

Quan điểm cứng rắn đó đã khiến cho nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Ngày 19/5, Deutsche Bank nhận định chỉ số S&P 500 có thể rơi xuống mốc 3.000 điểm nếu như điều này xảy ra.

DALE BUSINESS ANALYST GALLEN CAPITAL

Bài viết liên quan