fbpx

Dầu Brent vượt 123 USD/thùng

Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 13 tuần vào ngày thứ Tư (08/6), khi nhu cầu xăng tại Mỹ tiếp tục tăng bất chấp giá cao kỷ lục, nhờ kỳ vọng nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng và do lo ngại về nguồn cung ở một số quốc gia.

 

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent tiến 2.77 USD (tương đương 2.3%) lên 123.34 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 2.70 USD (tương đương 2.3%) lên 122.11 USD/thùng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô thương mại tại Mỹ bất ngờ tăng trong tuần trước, trong khi dầu thô tại Kho dự trữ chiến lược (SPR) giảm kỷ lục khi đầu vào của các nhà máy lọc dầu tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 01/2020. Dự trữ xăng tại Mỹ bất ngờ giảm 0.8 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 1.1 triệu thùng, khi nhu cầu nhiên liệu vẫn cao bất chấp giá xăng tăng vọt.

Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận định: “Giá dầu tăng, được hỗ trợ bởi kỳ vọng Trung Quốc nới lỏng giãn cách Covid-19, điều này có thể dẫn đến nhu cầu và nhập khẩu cao hơn trong mùa hè này”.

Các chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc và Hồng Kông khép phiên ngày thứ Tư ở mức cao nhất trong 2 tháng với hy vọng nhu cầu phục hồi nhờ nới lỏng các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch Covid-19. Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Về mặt nguồn cung, nhà đầu tư lưu ý một số quốc gia có thể đối mặt với vấn đề trong thúc đẩy sản lượng.

Tại Na Uy, số công nhân ngành dầu mỏ đang có kế hoạch đình công từ ngày 12/6 vì vấn đề lương thưởng, khiến một số sản lượng dầu thô có nguy cơ bị mất.

Bộ trưởng Năng lượng Suhail al-Mazrouei của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cho biết những nỗ lực của các quốc gia sản xuất dầu OPEC+ nhằm thúc đẩy sản lượng là “không đáng khích lệ”, lưu ý rằng hiện nhóm này còn thiếu 2.6 triệu thùng/ngày so với mục tiêu.

Góp phần gây áp lực đối với triển vọng nguồn cung, đài truyền hình quốc gia Iran đưa tin, nước này đã dỡ bỏ 2 camera giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khỏi một trong những cơ sở hạt nhân của nước này. Động thái này có thể làm keo thang căng thẳng với về chương trình hạt nhân của Iran, làm giảm hy vọng về một thỏa thuận dỡ bỏ trừng phạt và bổ sung 1 triệu thùng/ngày dầu thô vào nguồn cung thế giới.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo châu Âu, vốn đang áp các lệnh trừng phạt Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine, có thể đối mặt với sự thiếu hụt năng lượng vào mùa đông tới.

Bài viết liên quan