fbpx

Đồ thị S&P 500 đang xấu đến mức nào?

Các chiến lược gia đang buộc phải tính thêm yếu tố căng thẳng Nga – Ukraine, ngoài các biến số như giá dầu tăng, lạm phát tăng và Fed sắp tăng lãi suất, vào giá. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, S&P 500 ngày 22/2 có phiên giảm thứ ba liên tiếp, mất hơn 10% so với đỉnh gần nhất, đồng nghĩa vào vùng điều chỉnh kỹ thuật.

Đóng cửa phiên 22/2, S&P 500 giảm 44,11 điểm, tương đương 1,01%, xuống 4.304,76 điểm. Với diễn biến này, S&P 500 tiếp tục xuống dưới đường trung bình động 200 ngày (MA200), tín hiệu cho thấy chỉ số có thể xuống thấp hơn nữa.

S&P 500 đang “cố duy trì trên ngưỡng hỗ trợ” quanh 4.300 điểm, theo Craig Johnson, giám đốc kỹ thuật thị trường tại Piper Sandler & Co.

Thủng ngưỡng hỗ trợ này “sẽ xác lập đáy sau thấp hơn đáy trước, rơi vào xu hướng giảm và buộc chúng ta phải tái đánh giá lại giả thiết thị trường giá lên”, ông viết. Ông vẫn giữ giá mục tiêu 5.150 điểm cho S&P 500 vào cuối năm nhưng “yếu tố kỹ thuật đang xấu đi quá nhanh, cũng như niềm tin của chúng tôi vào mức mục tiêu này”.

Một số chiến lược gia nhận định S&P 500 còn giảm hơn nữa khi căng thẳng leo thang. 

Nhà đầu tư gần đây thận trọng liên quan việc Nga tăng quân gần biên giới Ukraine, với hàng loạt thông tin làm gia tăng bối rối, đôi lúc khiến thị trường bất ngờ đảo chiều.

Ngày 22/2, các nhà giao dịch cân nhắc ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin công nhận độc lập với hai nhà nước cộng hòa tự xưng ở miền đông Ukraine, ra lệnh triển khai quân đội đến khu vực để gìn giữ hòa bình, nguy cơ khiến căng thẳng leo thang.

Nasdaq cũng giảm hơn 1% do các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn lao dốc. Giá dầu vẫn tăng và chỉ số VIX đo sự hãi trên Phố Wall cũng đi lên.

Nhiều người lạc quan vào thị trường chứng khoán, từ trước khi căng thẳng địa chính trị leo thang, vẫn giữ nguyên quan điểm, viện dẫn tăng trưởng lợi nhuận tốt và nhiều yếu tố hỗ trợ khác. Số còn lại, đang mất dần lập trường, nói chính diễn biến giá đã thuyết phục họ rằng thị trường đang gặp rắc rối.

Richard Ross, chiến lược gia tại Evercore ISI, cảnh báo S&P 500 có thể giảm sâu hơn nữa, thủng 4.200 điểm sẽ khiến chỉ số này về 3.600 điểm, tương đương giảm 16% từ mức đóng cửa phiên 22/2. Ông khuyến nghị khách hàng phải kiềm chế ham muốn mua trong các nhịp phục hồi do “bóng ma lạm phát cao nhất 40 năm và số lần tăng lãi suất sắp tới để ứng phó lạm phát”.

Gina Martin Adams của Bloomberg Intelligence nhận định S&P 500 đang thử thách các ngưỡng hỗ trợ quan trọng – có thể điều chỉnh thêm 10% nếu thất bại. Mốc quan trọng cần theo dõi là 4.280 điểm. “Nếu S&P 500 xuống dưới mốc này, cùng với lãi suất tăng, tăng trưởng chững lại và áp lực lạm phát, mô hình vai đầu vai sẽ hình thành”, bà viết.

Trong khi đó, Katie Stockton, nhà sáng lập Fairlead Strategies, công ty nghiên cứu chuyên về phân tích kỹ thuật, nói các chỉ số chứng khoán tiêu cực về ngắn hạn trong tuần trước sau đợt phục hồi ngắn từ đáy tháng 1.

S&P 500 và Nasdaq đang “ở vùng thử thách” khi hai chỉ số quay lại đáy tháng 1 lần nữa.

“Đà giảm chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cho thấy các mốc hỗ trợ sẽ được thử thách trong những ngày tới”, theo Stockton. 

DALE BUSINESS ANALYST GALLEN CAPITAL

Bài viết liên quan