fbpx

EU kiên quyết không mua dầu Nga, bất chấp thỏa thuận áp giá trần có được thông qua hay không

Chuyên gia khẳng định rằng các thị trường nên chờ xem điều gì sẽ xảy ra vào ngày 5/12, để đảm bảo rằng EU có thực sự tuân thủ lệnh cấm của mình hay không.

Theo Insider, kể từ 5/12, việc nhập khẩu dầu Nga được vận chuyển qua đường biển sẽ không được phép vào EU. Đồng thời, các doanh nghiệp có trụ sở tại EU cũng sẽ không được cung cấp các dịch vụ như bảo hiểm hay vận tải cho những chuyến hàng chở dầu Nga tới bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Đồng thời, một kế hoạch giá trần đối với nhiên liệu từ Nga đang được lên kế hoạch nhằm tạo ra ngoại lệ trong biện pháp cấm vận của EU, giúp dầu tiếp tục được chảy tới thị trường toàn cầu. Từ đó ngăn chặn cú sốc về giá trong khi hạn chế doanh thu của Moscow.

Tuy vậy, theo bà Amrita Sen, Giám đốc nghiên cứu tại Energy Aspects, hiện đang có một sự hiểu lầm rằng EU vẫn có thể nhập khẩu dầu Nga, miễn là tuân thủ theo kế hoạch giá trần.

“Thực tế là lệnh cấm vận vào 5/12 sẽ thay thế cho mức giá trần. Vì vậy, EU vẫn sẽ ngừng nhập khẩu dầu của Nga, bất kể mức giá trần có là bao nhiêu”, bà Sen trả lời phỏng vấn của Bloomberg TV.

Bà nói thêm, các thị trường đang “rất, rất bối rối” về ý nghĩa của giá trần đối với nguồn cung, và là nguyên nhân khiến cho giá dầu sụt giảm gần đây.

Tuy nhiên, bà Sen nói rằng lệnh cấm vận của EU có mức ưu tiên khi áp dụng cao hơn so với giá trần. Đồng thời, bà thừa nhận rằng các thị trường nên chờ xem điều gì sẽ xảy ra vào ngày 5/12 để đảm bảo rằng EU có thực sự tuân thủ lệnh cấm của mình hay không.

Trong khi đó, Nga đã cảnh báo về việc ngừng bán dầu thô cho bất cứ quốc gia nào áp giá trần, và thậm chí còn đang soạn thảo một sắc lệnh nhằm luật pháp hóa tuyên bố trên, theo Bloomberg. Nga cho biết nước này có thể hạn chế giá bằng cách lấy nguồn cung của họ ra khỏi thị trường giao ngay và khiến giá tăng đột biến.

Các nhà phân tích cũng nghi ngờ rằng những khách hàng ‘trung thành’ của Moscow như Trung Quốc hay Ấn Độ sẽ đồng tình với kế hoạch của Nga.

Những quốc gia tham gia vào sáng kiến của G7 vẫn có thể gửi dầu từ Nga tới các nước châu Á sau ngày 5/12. Tuy vậy, cho đến nay, không có nhiều quốc gia đồng ý tham gia. Đồng thời, các nước ngoài EU cũng có đủ năng lực để cung cấp dịch vụ tài chính và vận tải cho hàng hóa của Nga.

Trước đó vào 23/11, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa tìm được sự thống nhất trong dự thảo về việc đặt ra mức trần cho dầu Nga sau cuộc họp của các thành viên diễn ra tại thủ đô Brussels (Bỉ). Brussels đưa ra đề xuất cho mức trần dầu Nga là 65 USD/thùng. Tuy nhiên, mức giá này đã bị nhiều thành viên trong khối phản đối.

Cụ thể, Ba Lan và một số nước tại vùng biển Baltic đã từ chối mức giá trần trên và cho rằng mức giá đó là quá “hào phóng” với Nga. Còn các thành viên khác như Hy Lạp và Malta cho rằng mức trần không được dưới 70 USD/thùng.

“Không ai khác ngoài G7 chấp nhận kế hoạch giá trần và chúng tôi không mong đợi điều này sẽ thay đổi”, bà Sen nói.

https://cafef.vn/eu-kien-quyet-khong-mua-dau-nga-bat-chap-thoa-thuan-ap-gia-tran-co-duoc-thong-qua-hay-khong-20221128100402453.chn

Bài viết liên quan