fbpx

‘Quả bom nợ’ bất động sản ám ảnh giới chức Trung Quốc

'Quả bom nợ' bất động sản ám ảnh giới chức Trung Quốc

Evergrande là “Quả bom nợ” tiếp theo khiến thị trường Bất động sản chao đảo và chính quyền Trung Quốc phải lo ngại sâu sắc.

Evergrande được biết đến là nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới. Một loạt tin xấu liên tục trong những tuần gần đây đã đẩy nhanh điều mà nhiều chuyên gia cảnh báo là không thể tránh khỏi: sụp đổ.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch cho biết trong tuần này rằng, việc Evergrande vỡ nợ là chuyện “không sớm thì muộn”. Moody’s, một cơ quan xếp hạng tín nhiệm khác, cho biết Evergrande đã không còn tiền và cũng như các hạn mức nợ. Evergrande đang phải đối mặt với khoản nợ hơn 300 tỷ USD, hàng trăm tòa nhà chung cư chưa hoàn thành và các nhà cung cấp giận dữ đã đóng cửa các công trường xây dựng. Công ty thậm chí đã bắt đầu thanh toán các khoản nợ quá hạn bằng cách bàn giao các công trình dang dở.

Giới quan sát thì đang theo dõi xem liệu các nhà quản lý Trung Quốc có thực hiện đúng cam kết làm trong sạch khu vực doanh nghiệp của nước này bằng cách để những “quả bom nợ” như Evergrande sụp đổ hay không.

Trong những ngày vinh quang cách đây một thập kỷ, Evergrande đã bán nước đóng chai, sở hữu đội bóng đá chuyên nghiệp xuất sắc nhất Trung Quốc và thậm chí có một thời gian ngắn tham gia chăn nuôi lợn. Họ phát triển đa ngành đến nỗi còn có một đơn vị sản xuất ôtô điện, mặc dù đã bị trì hoãn sản xuất. Còn ngày nay, Evergrande được coi là mối đe dọa đối với các ngân hàng lớn nhất ở Trung Quốc.

Logo của Evergrande trên một tòa nhà ở Trung Quốc. Ảnh: Nikkei
Ảnh: Nikkei

Ông trùm Evergrande được thành lập vào năm 1996, đã thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường bất động sản khổng lồ của Trung Quốc. Sự phát triển của ngành này đã giúp đô thị hóa các vùng rộng lớn của đất nước và dẫn đến gần ba phần tư tài sản hộ gia đình hút vào nhà ở. Điều này đưa Evergrande trở thành trung tâm quyền lực trong một nền kinh tế dựa vào thị trường bất động sản để tăng trưởng.

Nhà sáng lập tập đoàn này là tỷ phú Xu Jiayin, là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Mối quan hệ của ông Xu có lẽ đã giúp các chủ nợ tin tưởng hơn để tiếp tục cho Evergrande vay tiền khi công ty này phát triển và mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới. Tuy nhiên, cuối cùng, Evergrande đã nợ quá nhiều đến mức không thể trả nổi.

Trong những năm gần đây, Evergrande đã phải đối mặt với các vụ kiện từ những người mua nhà vẫn đang chờ hoàn thiện căn hộ mà họ đã thanh toán một phần. Các nhà cung cấp và chủ nợ cũng đòi hàng trăm tỷ USD chưa thanh toán. Một số đã đình chỉ xây dựng các dự án Evergrande.

Tại sao gã khổng lồ này giờ gặp nhiều khó khăn đến vậy? Evergrande gặp phải hai vấn đề. Thứ nhất, các cơ quan quản lý Trung Quốc đang triệt hạ thói quen vay mượn liều lĩnh của các nhà phát triển bất động sản. Điều này đã buộc Evergrande bắt đầu bán bớt một số đế chế kinh doanh rộng lớn của mình. Nhưng họ vẫn chưa bán mảng kinh doanh xe điện, mặc dù đã có các cuộc đàm phán với những người mua tiềm năng. Một số chuyên gia cho rằng bên mua đang muốn có giá hời hơn.

Thứ hai, thị trường bất động sản của Trung Quốc đang chậm lại và nhu cầu về căn hộ mới ít hơn. Tuần này, Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia, một tổ chức tư vấn nổi tiếng của Bắc Kinh, tuyên bố sự bùng nổ thị trường bất động sản “đã có dấu hiệu bước ngoặt”, với lý do nhu cầu yếu và dữ liệu bán hàng chậm lại.

Phần lớn tiền mặt mà Evergrande có thể thu được đến từ các căn hộ bán trước chưa hoàn thiện. Theo nghiên cứu từ REDD Intelligence, Evergrande có gần 800 dự án đang dang dở trên khắp Trung Quốc và khoảng 1,2 triệu người vẫn đang chờ đợi để chuyển đến nhà mới của họ.

Evergrande đã giảm giá căn hộ mới nhưng ngay cả điều đó cũng không thu hút được người mua mới. Vào tháng 8, doanh số bán hàng của họ ít hơn một phần tư so với một năm trước.

Câu hỏi đặt ra hiện giờ là liệu các cơ quan quản lý Trung Quốc có vào cuộc để giải cứu tập đoàn này không. Bắc Kinh có thể nói “không”, nhưng sự sụp đổ có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng, khiến các chủ nhà, nhà cung cấp và nhà đầu tư trong nước – có khả năng lên đến hàng triệu người – không hài lòng. Thực tế, trong quá khứ, Bắc Kinh cuối cùng vẫn ra tay hỗ trợ các tập đoàn lớn khi họ gặp sự cố.

Trong nhiều năm, nhiều nhà đầu tư đã đổ tiền cho các công ty như Evergrande, vì họ tin rằng đến phút chót, Bắc Kinh vẫn sẽ luôn nhảy vào giải cứu. Và trong nhiều thập kỷ, các nhà đầu tư đã đúng. Nhưng vài năm qua, câu chuyện có vẻ dần khác đi, nhà chức trách đã thể hiện sự sẵn sàng hơn trong việc để các công ty thất bại, nhằm kiềm chế vấn đề nợ không bền vững của Trung Quốc.

Tháng trước, nhà chức trách đã triệu tập cuộc họp với các giám đốc điều hành của để yêu cầu họ phải giải quyết các khoản nợ của theo thứ tự. Giới chức tiếp tục yêu cầu các ngân hàng giảm quy mô cho vay với nhà phát triển bất động sản.

Nhưng xử lý vấn đề của Evergrande không hề dễ. Ông trùm này đã quá to lớn đến mức sự sụp đổ của nó có thể gây ra rất nhiều hệ lụy. Sự hoảng loạn từ các nhà đầu tư và người mua nhà có thể tràn vào thị trường bất động sản, khiến giá nhà lao dốc, ảnh hưởng đến tài sản và lòng tin của các hộ gia đình.

Thị trường tài chính toàn cầu sẽ rung chuyển và các công ty Trung Quốc khác sẽ khó tiếp tục nhận được tài trợ vốn từ nước ngoài. Viết trên Financial Times tuần trước, nhà đầu tư tỷ phú George Soros thậm chí cảnh báo rằng vụ vỡ nợ của Evergrande có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ.

Chen Zhiwu, giáo sư tài chính tại Đại học Hong Kong, cho biết nếu Evergrande sụp đổ thì có thể dẫn đến khủng hoảng tín dụng đối với toàn bộ nền kinh tế, khi các tổ chức tài chính lo sợ rủi ro nhiều hơn. Theo ông, thất bại của Evergrande “không phải là tin tốt cho hệ thống tài chính hoặc nền kinh tế nói chung”.

Nhưng không phải ai cũng bi quan như vậy. Bruce Pang, nhà kinh tế học tại China Renaissance Securities, cho biết một vụ vỡ nợ có thể tạo cơ sở cho một nền kinh tế lành mạnh hơn trong tương lai.

“Nếu Evergrande sụp đổ với niềm tin ngày càng phai nhạt về việc ‘quá lớn để thất bại’, thì điều đó sẽ chứng tỏ Bắc Kinh chấp nhận hơn đối với các vụ vỡ nợ, bất chấp những đau đớn và gián đoạn trong ngắn hạn”, ông nói.

Hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 7,4 tỷ USD giá trị từ trái phiếu mà Evergrande phải thanh toán trong năm tới. Trong tuần qua, trái phiếu Evergrande có giá 50 cent. Việc mua bán nợ của nó đã trở nên điên cuồng đến mức các nhà quản lý đã nhanh chóng ngừng giao dịch. Trong khi đó, các mã cổ phiếu chính của công ty tại Hong Kong đã mất hơn ba phần tư giá trị trong năm qua.

Các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng rằng nếu Evergrande sụp đổ, tất cả số tiền họ nắm giữ sẽ tan thành mây khói. Các nhà chức trách ở Bắc Kinh đã chỉ ra rằng họ không còn sẵn sàng cứu trợ các trái chủ cả trong và ngoài nước. Trong bất kỳ thủ tục phá sản nào, họ sẽ nằm dưới trong danh sách chủ nợ được ưu tiên nhận lại tiền từ phát mãi tài sản.

Mai Phương (Theo NYT)

Bài viết liên quan