fbpx

General Motors đã âm thầm mua lại một nhà cung cấp quan trọng của Tesla, là đơn vị giúp làm xe điện giá rẻ.

Trong nhiều năm liền, một đơn vị với quy mô khá khiêm tốn là Tooling & Equipment International (TEI) đã giúp Tesla vượt qua được những rào cản khi áp dụng công nghệ Gigacasting – là phương thức sản xuất mà Tesla đã tiên phong để làm ra một bộ phận có kích thước lớn trên khung xe, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất.

 

Tuy nhiên, tới năm 2023 này thì TEI đã chính thức trở thành một phần của tập đoàn xe Mỹ General Motors sau khi ký một thỏa thuận mà dường như được giữ rất kín. Thỏa thuận này được xem là một phần quan trọng trong chiến lược của General Motors nhằm bắt kịp tốc độ phát triển của Tesla. Thông tin này do nhiều người liên quan mật thiết đến hợp đồng chia sẻ với tờ Reuters.

 

TEI là đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong kỹ thuật đúc kim loại mà đã giúp Tesla đẩy nhanh quá trình tạo khuôn cho Gigacasting và giúp đúc được nhiều cấu phần phức tạp. Khi mua lại TEI, General Motors cho thấy rằng họ đã hướng mình vào cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất xe điện.

 

Câu chuyện này diễn ra trong bối cảnh doanh số xe điện có dấu hiệu suy giảm, được cho là do nhóm khách hàng tiên phong đã hết và khách hàng phổ thông là nhóm đối tượng tiếp theo cần chinh phục. Nhiều nhà sản xuất xe trên thế giới đang gắng sức chế tạo ra những mẫu xe điện có giá thành phổ thông hơn.

 

Không chỉ có Volkswagen hé lộ dự án về ID.1 và ID.2all có giá dự kiến lần lượt 20.000 euro (530 triệu đồng) và 25.000 euro (662 triệu đồng), ngay cả Tesla cũng đã nhiều lần nói về mẫu xe điện giá khoảng 25.000 USD (khoảng 600 triệu đồng). Xe điện giá phổ thông cũng là những mẫu xe mà VinFast sắp tung ra. Tại Việt Nam, mẫu VF 6 đã chính thức nhận cọc, mẫu VF 7 dự kiến cũng sẽ chính thức xuất hiện trong ít ngày tới; thị trường Mỹ sẽ đón nhận 2 mẫu xe này trong năm sau.

 

Theo nguồn tin riêng của Reuters, khi mất đi “cánh tay phải” TEI, Tesla sẽ phải dựa vào các đối tác khác tại Anh, Đức và Nhật để phát triển khuôn đúc cỡ lớn phục vụ sản xuất hàng triệu mẫu xe điện giá rẻ mà hãng dự tính bán ra trong thời gian tới. Cùng lúc, Tesla vẫn sẽ phải tìm đối tác đủ năng lực để trám vào chỗ của TEI, hoặc thậm chí tự phát triển một đội của riêng mình nhằm giảm lệ thuộc vào đối tác ngoài.

 

Tập đoàn xe General Motors trả lời tờ Reuters khi được hỏi về vấn đề: “General Motors đã mua lại Tooling & Equipment International (TEI) để tăng cường năng lực sáng tạo và có thể tiếp cận với kỹ thuật đúc độc nhất”. Phía Tesla và chủ tịch Oliver Johnson của TEI không phản hồi Reuters.

 

Tương tự General Motors, một loạt nhà sản xuất xe lớn khác của thế giới cũng đã thấy được lợi ích của kỹ thuật Gigacasting mà Tesla áp dụng, họ cũng đã cố gắng có cho mình cách thức sản xuất tương tự để phù hợp với thiết kế và năng lực sản xuất, tránh tụt hậu.

 

CEO Tesla, tỷ phú Elon Musk, đã giới thiệu Gigacasting từ tháng 3; ông kỳ vọng rằng những chiếc xe thế hệ sau sẽ có chi phí sản xuất bằng một nửa với kỹ thuật này. Điểm cốt lõi của Gigacasting là sản xuất một phần của cấu trúc khung xe bằng kim loại liền khối, sau đó gắn các bộ phận này với các cấu phần khác ở cuối chu trình sản xuất.

 

Kỹ thuật Gigacasting này đã có thể trở thành hiện thực một phần nhờ công của TEI, bên cạnh đó là 3 nhà cung cấp khác mà Tesla hợp tác.

 

80 TRIỆU ĐÔ CHO “CÁNH TAY PHẢI” CỦA TESLA

 

Tờ Reuters từng đưa tin rằng kết quả của 4 đơn vị nói trên là lý do chính giúp Tesla có thể phát triển một mẫu xe từ con số 0 trong vòng từ 1,5 đến 2 năm mà không tốn kém nhiều, trong khi đó thì các đối thủ thường mất từ 3 tới 4 năm.

 

4 đơn vị trên ứng dụng kỹ thuật đúc trong khuôn cát tại bước tạo hình xe mẫu, giúp Tesla định hình thiết kế và các thông số kỹ thuật, từ đó tạo ra khuôn đúc lớn nhanh và rẻ hơn.

 

Theo các nguồn riêng của Reuters, TEI đã bắt đầu làm việc với Tesla từ năm 2017 để phát triển mẫu Model Y; TEI cũng được đánh giá là đơn vị đúc trong khuôn cát uy tín bậc nhất thế giới. Sau đó, TEI đã tham gia với Tesla trong việc tạo khuôn đúc cho Tesla Model 3, Cybertruck và cả mẫu xe đầu kéo Semi.

 

Năm ngoái, khi chủ tịch Oliver Johnson của TEI rao bán công ty, General Motors có lẽ đã hình dung được câu chuyện.

 

General Motors đã từng làm việc với TEI từ khoảng năm 2021 để thử nghiệm và sản xuất khung của mẫu xe siêu sang Cadillac Celestiq. Việc mua lại TEI diễn ra khi General Motors thực hiện thẩm định chuyên sâu (Due Dilligence – DD), có thể đã diễn ra từ rất lâu trước khi hợp tác làm mẫu Celestiq.

 

Nguồn tin của Reuters cho biết rằng chương trình có phần General Motors ký cam kết hợp tác dài hạn và TEI đầu tư cho một dây chuyền sản xuất phục vụ mẫu Celestiq tại trụ sở ở bang Michigan (Mỹ) – nơi cách trụ sở của General Motors 25 phút đi xe.

 

Trong phần trả lời Reuters, General Motors cho biết: “Việc đưa TEI vào với GM bồi đắp trên kinh nghiệm đúc kim loại hàng chục năm và giúp có được lợi thế cạnh tranh với một số mẫu xe sản xuất ít như Celestiq. […] TEI vẫn sẽ là một đơn vị độc lập nhưng có General Motors là công ty mẹ”.

 

2 nguồn tin riêng của Reuters cho biết rằng General Motors đã bỏ ra chưa tới 100 triệu USD để mua lại TEI, 1 nguồn tin trong đó ước tính mức giá cao nhất là 80 triệu USD; hiện chưa rõ Tesla có phải là một trong những đơn vị cũng đã ngỏ ý mua TEI hay không.

 

“ĐÁNH THỨC CẢ TOYOTA”

 

Trong khi Tesla có vẻ đã bỏ xa đối thủ khi xét về kỹ thuật sản xuất và dường như càng ngày càng kéo giãn khoảng cách giữa mình và toàn ngành xe, mua lại TEI sẽ giúp General Motors có cái nhìn thực tế về cách mà Tesla đã làm chủ được kỹ thuật Gigacasting.

 

TEI và nhiều đơn vị khác sử dụng cát công nghiệp để tạo khuôn đúc. Với các bản thiết kế kỹ thuật số, máy in 3D sẽ tạo ra khuôn đúc trong cát có thể đúc hợp kim nóng chảy. Một vài điểm mạnh của phương thức này là khuôn đúc cát có thể được tái tạo nhanh chóng, sử dụng được nhiều lần, tốn rất ít chi phí để chỉnh sửa khuôn.

 

TEI và 3 đơn vị khác có vai trò rất quan trọng với Tesla trong việc tạo ra loại hợp kim có thể đúc trong khuôn cát, tương tự với kỹ thuật xử lý nhiệt các bộ phận thân vỏ lớn khi đã đúc xong để gia tăng chất lượng.

 

Ông James Womack, người từng là giám đốc nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật Massachusetts (Mỹ), tin rằng các sáng kiến của Elon Musk trong sản xuất đã khiến toàn ngành choáng váng, “chấn động rất cả mọi người”, thậm chí cũng đã “đánh thức cả Toyota – đơn vị có kỹ thuật sản xuất tốt nhất toàn ngành – [khiến Toyota học cách] áp dụng Gigacasting và nhiều sáng kiến khác của Tesla”.

 

Cựu giám đốc nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật Massachusetts cũng đưa ra nhận định: “Gigacasting và phương thức sản xuất tháo tung* rất đáng thử, nhưng nỗ lực cải tiến gần như luôn luôn tốn nhiều thời gian hơn dự kiến để chín và thậm chí nhiều thử nghiệm còn đi tới thất bại”.

Bài viết liên quan