fbpx

Lạm phát vẫn cao, chứng khoán Mỹ giảm điểm

Gallen Capital – Thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch 11/5 sau khi số liệu lạm phát tháng 4 được công bố. Chỉ số này tuy có giảm nhưng vẫn tiệm cận mốc cao nhất 40 năm.

Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 326,63 điểm, tương đương 1,02%, xuống 31.834,11 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 65,87 điểm, hay 1,65%, xuống 3.935,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 373,44 điểm, tương đương 3,18%, còn 11.364,24 điểm.

Trong ngày, có thời điểm chỉ số S&P 500 tụt xuống mốc thấp nhất 52 tuần 3.928,82 điểm. Hiện chỉ số này đang thấp hơn 18% so với đỉnh một năm qua, và giảm 17% từ đầu năm 2022.

“Mọi người muốn chi phí năng lượng, thực phẩm và lao động giảm xuống, đồng thời, và chính phủ đã hành động bằng cách tăng lãi suất”, theo Susan Schmidt tới từ Aviva Investors. “Những giải pháp đó khiến cho nhà đầu tư lo lắng vì họ không thể lường trước được tác động của chúng đối với tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đó là lý do các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán biến động mạnh gần đây”, ông nói.

nasdaq-png-7754-1652313118.png

Chỉ số Nasdaq mất hơn 300 điểm trong phiên giao dịch ngày 11/5. Ảnh: CNBC.

Nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục gặp khó trong phiên giao dịch 11/5, khiến cho chỉ số Nasdaq mất hơn 300 điểm. Giá cổ phiếu của Meta Platform, Apple, Salesforce và Microsoft giảm lần lượt 4,5%, 5,2%, 3,5% và 3,3% trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục quay lưng với các cổ phiếu tăng trưởng. Công nghệ thông tin và hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu giảm hơn 3%, tác động tiêu cực tới chỉ số S&P 500.

Visa và Merck là hai mã cổ phiếu dẫn đầu đà tăng trong nhóm Dow Jones. Trong khi phần lớn các nhóm ngành chìm trong sắc đỏ, lĩnh vực năng lượng tăng khoảng 1,4%, nhóm tiện ích cũng tăng 0,8%, trong khi nhóm nguyên liệu không thay đổi.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn dự báo 8,1% từ nhiều chuyên gia kinh tế. Lạm phát vẫn ở mức cao, tiệm cận đỉnh 40 năm thiết lập trong tháng trước đó.

CPI cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 6,2%.

Tính vắt tháng, CPI toàn phần tăng 0,3%, CPI cơ bản tăng 0,6%. Điều đó cho thấy lạm phát có thể đang ở đỉnh, nhưng áp lực giá cả vẫn sẽ bủa vây người dân và doanh nghiệp.

Không phải tất cả các chuyên gia phân tích đều cho rằng lạm phát đã đạt đỉnh.

“Với việc lạm phát giảm từ 8,5% xuống 8,3%, chúng ta có thể lạc quan nói rằng lạm phát đã đạt đỉnh, nhưng cũng không ít lần, chúng ta đã bị ‘đánh lừa’, ví dụ như trường hợp tháng 8/2021”, theo Greg McBride, Giám đốc phân tích tài chính tại Bankrate.

Một vài chuyên gia cho biết dữ liệu mới được công bố cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã quá “chậm chân”, buộc cơ quan này phải quyết liệt thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

Lạm phát chính là mối quan tâm lớn nhất ở thời điểm hiện tại, đặc biệt là khi Fed đã tăng lãi suất và trong thời gian tới là cắt giảm bảng cân đối tài sản.

Sau khi dữ liệu lạm phát được công bố, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên ngưỡng hơn 3%, nhưng sau đó giảm xuống 2,93%.

“Những phản ứng tiêu cực của thị trường trước thông tin lạm phát là hoàn toàn có thể hiểu được, nhưng khi giá cả tiếp tục tăng cao, rủi ro xuất hiện một cuộc khủng hoảng ‘chi phí sống’ sẽ luôn trực chờ”, Mohamed El-Erian, Cố vấn kinh tế tại Allianz, nhận định trong chuyên mục “Squawk on the Street” của đài CNBC.

“Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi”, ông nói. “Mọi người quan tâm nhiều tới lạm phát toàn phần, đó là điều dễ hiểu, nhưng hãy nhìn vào mức lạm phát cơ bản 6,2% và cơ cấu của lạm phát, có quá nhiều yếu tố thúc đẩy chỉ số này ở thời điểm hiện tại. Fed đã quá chậm trễ thực thi điều mà họ nên làm”, ông nói.

Liên quan tới báo cáo lợi nhuận, giá cổ phiếu của Coinbase giảm 26,4% sau khi sàn giao dịch tiền số này công bố báo cáo lợi nhuận quý I của mình. Nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả kinh doanh của Walt Disney, Rivian và Beyond Meat.

DALE BUSINESS ANALYST GALLEN CAPITAL

Bài viết liên quan