fbpx

Loại Nga khỏi SWIFT mang lại hệ lụy gì cho thị trường thế giới

SWIFT là viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication), thành lập năm 1973, thay thế hình thức liên lạc điện tín (telex). SWIFT hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính sử dụng để liên lạc và gửi lệnh thanh toán.

SWIFT đóng vai trò thiết yếu trong hệ thống tài chính toàn cầu và chưa có hình thức nào khác thay thế được thế giới chấp nhận. Việc bị từ chối tiếp cận SWIFT sẽ khiến các ngân hàng Nga khó kết nối với đối tác trên thế giới, thậm chí là cả với những quốc gia không có căng thẳng như Trung Quốc, thương mại chững lại, tốn kém hơn để thực hiện giao dịch.

Tuy nhiên, các quốc gia đồng minh phương Tây vẫn chưa công bố nhắm đến ngân hàng nào của Nga. Đây là yếu tố quan trọng để ước tính ảnh hưởng, theo các chuyên gia ngân hàng và lệnh trừng phạt.

“Điều khủng khiếp sẽ nằm trong nội dung chi tiết”, Edward Fishman, chuyên gia về trừng phạt kinh tế tại viện chính sách Eurasia Center of Atlantic Council, nói. “Hãy chờ xem họ chọn ngân hàng nào”.

Nếu danh sách bao gồm các ngân hàng lớn nhất Nga, như Sberbank, VTB và Gazprombank, đó sẽ là “một đòn đánh khổng lồ”, ông viết trên Twitter.

Sberbank và VTB từng tuyên bố đã có sự chuẩn bị cho mọi kịch bản.

Quyết định loại một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT có thể khuyến khích “sự lồng nhau” – tức các thực thể Nga tìm đến những ngân hàng không bị trừng phạt, đa quốc gia, để tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu, một chuyên gia nhận định.

Hành động đi đường vòng này sẽ tạo ra cơn đau đầu cho các ngân hàng trên thế giới.

“Đó thực sự là con dao đâm vào trái tim của các ngân hàng Nga”, Kim Manchester, sở hữu công ty chuyên cung cấp chương trình đào tạo thông tin tài chính cho các tổ chức, cho biết. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chọn lọc trong lệnh trừng phạt để còn dư địa mạnh tay hơn nữa, bổ sung thêm vào danh sách bị chặn và thậm chí là áp lệnh cấm bao trùm toàn bộ. “Đó là một bước đi đáng sợ”.

Đòn giáng tàn phá

Ảnh hưởng khả năng cao sẽ là “tàn phá” với kinh tế Nga và các thị trường.

Lệnh trừng phạt dự báo tác động mạnh đến ruble khi thị trường mở cửa ngày 28/2, Sergey Aleksashenko, cựu phó chủ tịch ngân hàng trung ương Nga, nói, dẫn đến sự biến mất của nhiều mặt hàng nhập khẩu.

“Đây là hồi kết của một phần đáng kể trong nền kinh tế”, Aleksashenko bổ sung. “Hơn nửa thị trường tiêu dùng sẽ biến mất. Những hàng hóa này sẽ biến mất nếu không thể thực hiện thanh toán cho chúng”.

Nhưng ảnh hưởng có thể không nhiều nếu những ngân hàng được lựa chọn lại chính là các tổ chức đã chịu lệnh trừng phạt từ trước và ngân hàng trung ương Nga đã có thời gian chuyển tài sản sang nơi khác, theo một cựu nhân viên ngân hàng cấp cao Nga. “Nếu là những ngân hàng đã bị trừng phạt, tình hình không có gì khác biệt nhiều. Nhưng nếu là 30 ngân hàng hàng đầu Nga, vấn đề sẽ khác”.

“Dù rất ồn ào và mọi người đều thấy hài lòng, trên thực tế, đó chỉ là một thông báo chính trị”.

Các lệnh trừng phạt trước đó của Mỹ nhằm vào nhóm các ngân hàng Nga, trong đó có Sberbank và VTB, đánh trực tiếp vào phần lớn trong khối lượng giao dịch ngoại hối thường ngày khoảng 46 tỷ USD được thực hiện bởi các tổ chức tài chính Nga. Những lệnh này đánh vào gần 80% tổng tài sản ngân hàng ở Nga.

Để đề phòng, Nga đã thiết lập hệ thống tài chính riêng có tên Hệ thống Chuyển Thông điệp Tài chính (SPFS – System for Transfer of Financial Messages).

SPFS xử lý khoảng 2 triệu tin nhắn trong năm 2020, khoảng 1/5 khối lượng trong nước, theo ngân hàng trung ương Nga, và đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 30% vào năm 2023.

Nhưng SPFS hạn chế quy mô tin nhắn, chỉ hoạt động trong ngày làm việc và khó kết nạp thêm thành viên bên ngoài.

Tác động đến thế giới

Các nhà xuất khẩu sẽ thấy việc bán hàng hóa cho Nga rủi ro hơn và tốn kém hơn.

Nga là bên mua lớn các hàng hóa sản xuất. Hà Lan và Đức lần lượt là đối tác thương mại lớn thứ hai và thứ ba của Nga, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, dù Nga không trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của hai nước này.

Những bên mua hàng hóa của Nga cũng sẽ thấy khó khăn hơn, thúc đẩy họ tìm kiếm bên cung ứng khác.

Tuy nhiên, với dầu và khí đốt Nga, bên mua có thể rất khó tìm được sự thay thế.

Nga vẫn là quốc gia chính cung cấp dầu thô, khí đốt và nhiên liệu hóa thạch cho EU, theo Ủy ban châu Âu.

‘Vũ khí hạt nhân tài chính’

Trong vài ngày qua, ngay cả khi Ukraine kêu gọi phương Tây loại Nga khỏi SWIFT và được một số quốc gia như Anh ủng hộ, số khác, trong đó có Đức, lo ngại trước những ảnh hưởng tiềm ẩn đến nền kinh tế và doanh nghiệp của họ.

Loại Nga khỏi SWIFT là “một vũ khí hạt nhân tài chính”, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói ngày 25/2. “Khi sở hữu vũ khí hạt nhân trong tay, bạn nên nghĩ kỹ trước khi sử dụng”.

Tình hình dần thay đổi khi các lực lượng quân đội Nga tiến về thủ đô Kiev của Ukraine và hy vọng về một giải pháp ngoại giao mờ nhạt dần.

Ngày 26/2, Đức, có kim ngạch thương mại với Nga nhiều nhất trong EU, nới lỏng lập trường và thông báo đang tìm cách vừa loại Nga khỏi SWIFT, vừa hạn chế thiệt hại cho Berlin.

Manchester nói lệnh cấm một phần sẽ buộc các ngân hàng Nga phải sáng tạo hơn trong tiếp cận hệ thống tài chính.

Các tổ chức đa quốc gia với nghiệp vụ trái phiếu và ngân hàng lớn, có tiếp cận SWIFT có thể trở thành cửa ngõ mới cho các giao dịch tài chính từ Nga.

“Lồng nhau”, theo Manchester, là mối lo ngại lớn với các ngân hàng toàn cầu – vốn phải đảm bảo mọi giao dịch họ hỗ trợ không được vi phạm lệnh trừng phạt từ phương Tây.

DALE BUSINESS ANALYST BASEL MARKETS

Bài viết liên quan