fbpx

Nga trừng phạt Tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai

Thông cáo của phía Nga cho biết, để đáp trả các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây và nhiều điều khác, Nga đã chính thức cấm nhập cảnh đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley cùng nhiều quan chức cấp cao khác của Mỹ.

Ngoài các quan chức trong chính quyền, Nga cũng đích danh trừng phạt con trai ông Biden là Hunter Biden và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Moscow cũng thông báo sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt bằng cách mở rộng danh sách này ra với các quan chức hàng đầu của Mỹ, các nhà lập pháp, doanh nhân, chuyên gia, giới truyền thông và cả những người kích động hận thù đối với Nga…

Nga cũng mô tả Mỹ là hiếu chiến và đang thực hiện “nỗ lực tuyệt vọng nhằm duy trì sự bá chủ của Mỹ”.

Ngoài ra, Moscow cũng trừng phạt các quan chức cấp cao trong Chính phủ Canada. Theo đó, Thủ tướng Justin Trudeau, Ngoại trưởng Mélanie Joly và Bộ trưởng Quốc phòng Anita Anand sẽ bị cấm nhập cảnh vào nước này.

Lệnh trừng phạt của Nga sẽ chính thức có hiệu lực từ 15/3.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Ba Lan, Slovenia và Cộng hòa Séc cho biết họ đang trên đường tới Thủ đô Kiev của Ukraine để gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky. Đoàn tàu chở họ đã khởi hành từ Ba Lan vào lúc 9h sáng theo giờ địa phương.

Chuyến đi này gồm Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki và Phó Thủ tướng Jarosław Kaczyński; Thủ tướng Slovenia Janez Janša và Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.

Người phát ngôn chính phủ Ba Lan cho biết chuyến đi này nhằm mục đích “xác nhận sự ủng hộ rõ ràng của toàn thể liên minh châu Âu đối với chủ quyền và độc lập của Ukraine cũng như thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn dành cho Kiev.

Phía Ba Lan cũng cho biết chuyến đi được tổ chức với sự đồng thuận của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Họ cũng cho biết sẽ thông báo cho cộng đồng quốc tế về chuyến thăm, bao gồm cả Liên Hợp Quốc.

Trong khi đó, Thị trưởng Thủ đô Kiev Vitali Klitschko đã gửi một bức thư tới Giáo hoàng với hy vọng ông có thể tới thăm thành phố. Bức thư này được viết hôm 8/3 và nhấn mạnh sự hiện diện của Giáo hoàng ở Kiev có thể cứu mạng nhiều người cũng như mang lại một phần hòa bình cho thành phố, đất nước và rộng hơn nữa.

Người phát ngôn của Vatican cho biết họ đã nhận được bức thư nhưng không nói Giáo hoàng có tới thăm Kiev hay tham gia một hội nghị trực tuyến với nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky hay không.

Hiện tại, Nga và Ukraine vẫn đang tiếp tục đàm phán nhằm chấm dứt xung đột. Nhà đàm phán Ukraine Mykhailo Podoliak cho biết rằng các cuộc đàm phán đang có tiến triển. Họ sẽ trao đổi về những quy định chung, ngừng bắn và rút quân đội Nga khỏi lãnh thổ Ukraine.

Trước đó, vòng đàm phán thứ 4 giữa Nga và Ukraine, bắt đầu hôm 14/3 đã phải tạm dừng về mặt kỹ thuật cho tới ngày 15/3.

Về phần mình, Nga nói rằng các cuộc đàm phán giữa 2 nước diễn ra hàng ngày. Phía Ukraine cũng tin rằng  họ sẽ có thể ký kết thỏa thuận trong đầu tháng 5 hoặc có thể sớm hơn.

DALE BUSINESS ANALYST GALLEN CAPITAL

Bài viết liên quan