Tỷ phú sáng lập chuỗi bán lẻ thời trang Nhật Bản Uniqlo cho rằng các mức thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không thể ngăn cản xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Đông Nam Á và châu Phi, đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng ngành sản xuất hàng may mặc sẽ quay trở lại Mỹ.
Ông Tadashi Yanai – Chủ tịch của Fast Retailing – công ty mẹ của Uniqlo, nhận định rằng công ty của ông có thể dễ dàng điều chỉnh nguồn cung ứng giữa các quốc gia sản xuất hàng may mặc tùy thuộc vào chính sách thuế quan. Điều này là nhờ các nhà thầu lớn sản xuất quần áo cho Uniqlo đã toàn cầu hóa mạng lưới nhà máy của họ. Ông cũng cho biết xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các khu vực có chi phí thấp hơn sẽ tiếp tục diễn ra vì “kinh tế, tài chính và thông tin thì không có biên giới”.
Tuy nhiên, ông Yanai chỉ trích các mức thuế của Mỹ là “không hợp lý” và không thể duy trì lâu dài. Ông cảnh báo rằng: “Nếu cuộc chiến thuế quan hiện tại tiếp tục, các quốc gia lớn có thể vẫn ổn, nhưng đối với các nước đang phát triển thì đây sẽ là một thảm họa”.
Ngoài ra, ông khẳng định ngành sản xuất hàng may mặc sẽ không quay trở lại Mỹ bởi nền kinh tế nước này chủ yếu dựa vào tài chính và thông tin.
Những phát biểu trên của ông Yanai được đưa ra trong bối cảnh Fast Retailing dự báo lợi nhuận tại thị trường Bắc Mỹ sẽ giảm 20% trong nửa cuối năm tài chính do chi phí tăng thêm từ thuế quan. Dù vậy, công ty vẫn kỳ vọng doanh thu tại khu vực này, nơi đã mở rộng nhanh chóng lên 97 cửa hàng, sẽ tăng đáng kể.
Dưới tác động của thuế quan, Fast Retailing dự đoán lợi nhuận toàn tập đoàn sẽ bị ảnh hưởng từ 2-3% trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, con số này được tính toán dựa trên mức thuế trả đũa cao mà ông Trump công bố ngày 03/04, hiện đã được tạm hoãn trong 90 ngày, và không bao gồm việc tăng giá sản phẩm.
Dù vậy, công ty vẫn nâng dự báo lợi nhuận cơ bản cả năm lên 545 tỷ yên từ mức 530 tỷ yên sau khi đạt kết quả tốt trong quý 2 với lợi nhuận tăng 33%, đạt 146.7 tỷ yên.
Công ty cũng cho biết tác động của thuế quan sẽ “hạn chế” nhờ việc đã nhập khẩu một lượng lớn hàng tồn kho vào Mỹ trước đó để đáp ứng nhu cầu trong 6 tháng tới.
Mỹ và châu Âu đang trở thành những khu vực tăng trưởng trọng điểm đối với thương hiệu thời trang lớn nhất châu Á này trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái.
Fast Retailing hiện lấy nguồn hàng như áo khoác nỉ, quần chinos và các sản phẩm khác từ 380 nhà máy. Trong đó, Trung Quốc chiếm số lượng lớn nhất với 206 nhà máy, tiếp đến là Việt Nam, Bangladesh và Campuchia.
Ông Yanai cũng nhấn mạnh sự đa dạng hóa hơn nữa trong chuỗi cung ứng của Fast Retailing khỏi Trung Quốc. Ông cho biết mô hình “Trung Quốc cộng một” – tức chỉ đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc sang một quốc gia khác – đang dần được thay thế bởi một kỷ nguyên mới. Theo đó, các công ty sẽ dựa vào nhiều quốc gia sản xuất để giảm chi phí.
https://vietstock.vn/2025/04/nha-sang-lap-uniqlo-thue-quan-se-khong-ngan-duoc-su-dich-chuyen-chuoi-cung-ung-sang-dong-nam-a-775-1294220.htm