88 vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuế và 37 vướng mắc liên quan đến lĩnh vực hải quan đã được Bộ Tài chính tiếp nhận và xử lý.
Đã tiếp nhận và xử lý nhiều vướng mắc
Thông tin tại Hội nghị Đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính diễn ra tại Hà Nội vào sáng 10/12, ông Cao Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, định kỳ hàng năm, Bộ Tài chính đã tổ chức các Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan. Qua đó, đã nắm bắt được những tâm tư, vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, thủ tục thuế, hải quan của doanh nghiệp, từ đó có phương án xử lý một cách kịp thời, nhanh chóng.
Hội nghị Đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 diễn ra vào sáng 10/12. Ảnh: NH |
“Tại Hội nghị năm 2023, Bộ Tài chính đã tiếp nhận và xử lý 88 vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuế và 37 vướng mắc liên quan đến lĩnh vực hải quan. Các vướng mắc đều được trả lời trực tiếp tại hội nghị hoặc trả lời bằng văn bản đến VCCI và đều được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan để các tổ chức, cá nhân liên quan được biết” – ông Cao Anh Tuấn thông tin.
11 tháng của năm 2024, bối cảnh kinh tế trong nước phải chịu nhiều áp lực từ những yếu tố bất lợi của thị trường nước ngoài, gây ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực, tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế như: Giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế thuế giá trị gia tăng 10%; giảm phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất…
“Quy mô hỗ trợ của các giải pháp này là khoảng 191 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 95 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm khoảng 96 nghìn tỷ đồng” – ông Cao Anh Tuấn khẳng định.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong thời gian qua, nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế. Việc ban hành và thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất nêu trên cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Qua đó, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực chung về phát triển kinh tế-xã hội.
Nhiều kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan đã được tiếp nhận, xử lý. Ảnh: NH |
Tiếp tục xem xét kiến nghị của doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI cũng cho rằng: Từ hội nghị năm 2023, VCCI đã tập hợp ý kiến cùng với Bộ Tài chính giải quyết trên 450 ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp theo các quy mô khác nhau.
“Một số vướng mắc, khó khăn kéo dài cũng đã và đang được VCCI trao đổi với các cục thuế, hải quan liên quan xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp” – ông Phạm Tấn Công thông tin và cho rằng: Tuy vậy, chúng tôi cũng ghi nhận gần 100 ý kiến gửi đến VCCI qua Diễn đàn Doanh nghiệp (VBF) 2024 và phiếu thông tin của các doanh nghiệp quy định về hoàn thuế, mức tính thuế, tính thống nhất trong áp dụng cơ chế ưu đãi về thuế, một số vướng mắc phát sinh từ sự thay đổi chính sách của quốc gia mà doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Các ý kiến, kiến nghị đã được VCCI chuyển tới Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan xem xét, giải đáp, sửa đổi các quy định, quy trình, quy định liên quan đối với doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ thuế và hải quan.
Tại hội nghị năm 2024, rất nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến vấn đề thuế, hải quan cũng được cộng đồng doanh nghiệp nêu ra. Tại đây, đại diện Bộ Tài chính đã có những thông tin trả lời cụ thể, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo đúng Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, hướng tới một hệ thống thuế có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cũng cho biết, sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác như: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính. Đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
https://vcci.com.vn/tin-tuc/nhieu-vuong-mac-lien-quan-den-linh-vuc-thue-hai-quan-duoc-xu-ly