fbpx

Nối gót BP, Shell, hàng loạt công ty phương Tây bắt đầu rút khỏi Nga

Các ngân hàng hàng đầu, hãng hàng không, xe hơi đã dừng vận chuyển hàng, chấm dứt quan hệ đối tác và gọi việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine là “không thể chấp nhận được”. Nhiều công ty cho biết họ đang cân nhắc hành động.

Cuối ngày 28/2, Warner Bros thông báo không phát hành phim “The Batman” tại thị trường Nga, không lâu sau khi Walt Disney cho biết họ dừng phát hành phim chiếu rạp ở nước này.

Trong khi đó, Mastercard chặn nhiều tổ chức tài chính khỏi mạng lưới thanh toán của đơn vị này theo các lệnh trừng phạt Nga.

Phương Tây gần đây có hàng loạt động thái đáp trả Nga như đóng cửa không phận với máy bay Nga, loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT và hạn chế khả năng Moscow sử dụng kho dự trữ ngoại hối 630 tỷ USD.

“Tôi kỳ vọng có hàng loạt thông báo tương tự trong vài ngày tới”, Sonia Kowal, chủ tịch Zevin Asset Management, Boston, bang Massachusetts, nói.

Một số nhà đầu tư có liên quan chính phủ tại Mỹ cũng lên tiếng để thiết lập định hướng cho các doanh nghiệp.

“Chúng ta cần gửi đi một phản ứng rõ ràng và dứt khoát rằng California sẽ không ủng hộ Nga”, giám đốc cơ quan tài chính California Fiona Ma nói, ủng hộ các quỹ hưu trí bang này, một số có quy mô lớn nhất Mỹ, thoái vốn tài sản Nga.

Shell, BP và Equinor của Na Uy đều tuyên bố sẽ rút đầu tư khỏi Nga, gia tăng áp lực lên các công ty phương Tây khác có tham gia các dự án dầu và khí tại nước này như ExxonMobil và TotalEnergies.

Nhiều công ty vẫn đang cân nhắc các lựa chọn như hãng vận tại Maersk thông báo đang theo dõi các lệnh trừng phạt Nga và chuẩn bị để tuân thủ. Một kịch bản sẽ bao gồm đình chỉ đặt tàu chở hàng.

Các hãng xe hơi, xe tải lớn dừng xuất khẩu sang Nga như Volvo, GM – hai công ty này chỉ bán khoảng 12.000 xe/năm tại Nga. Ford Motor, với 50% cổ phần tại 3 nhà máy ở Nga, chưa bình luận về kế hoạch của họ ngoài việc cho biết sẽ quản lý ảnh hưởng đến hoạt động của công ty và giữ người lao động an toàn.

Các công ty và nhà quản lý tài sản muốn thanh lý cổ phần đang phải đối mặt với rào cản bởi nhiều sàn giao dịch đã ngừng hoạt động.

Một số công ty phương Tây có rủi ro liên quan Nga chứng kiến cổ phiếu của họ mất giá mạnh, Finnair, trụ sở ở Phần Lan, mất 1/5 vốn hóa thị trường sau khi thu hồi lại dự báo cho năm 2022 giữa lúc các không phận đóng cửa.

Các hãng hàng không đối mặt với tình trạng phong tỏa kéo dài của hành lang bay đông – tây sau khi EU và Nga đều ra lệnh cấm máy bay của nhau để đáp trả.

Nhà Trắng chưa ra quyết định về việc cấm bay với máy bay Nga. Thư ký Nhà Trắng Jen Psaki ngày 28/2 lưu ý “có nhiều chuyến bay từ Mỹ qua Nga để đến châu Á và các khu vực khác trên thế giới, chúng tôi đang tính toán nhiều yếu tố”.

Thượng nghị sĩ Dick Durbin, quan chức Dân chủ số hai Thượng viện Mỹ, lên tiếng ủng hộ một lệnh cấm. “Những quốc gia khác đã ra lệnh cấm ở châu Âu và việc cấm bay (với Nga) không phải một ý tồi”.

Các công ty công nghệ lớn đang phân vân với những lời kêu gọi ngừng cung cấp dịch vụ ở Nga. Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, đã hạn chế tiếp cận đối với các kênh truyền thông Nga như RT và Sputnik trên nền tảng mạng xã hội này ở EU, tương tự như các công ty công nghệ lớn khác của Mỹ.

DALE BUSINESS ANALYST BASEL MARKETS

Bài viết liên quan