fbpx

Ra mắt nền tảng thông tin vể Chuyển đổi năng lượng tại Đông Nam Á

Chương trình Năng lượng sạch, Giá phải chăng và An toàn cho Đông Nam Á (CASE) đã ra mắt nền tảng thông tin Đông Nam Á cho lĩnh vực chuyển đổi năng lượng (SIPET), nhằm điều phối và cung cấp kiến ​​thức mới mẻ, mang tính tương tác hướng tới các chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng trong khu vực.

SIPET được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối thoại và thúc đẩy sự hợp tác trong ngành năng lượng của khu vực, hỗ trợ đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng tại Đông Nam Á.

Vai trò của SIPET trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ cực kỳ quan trọng vì nhu cầu năng lượng dự kiến ​​sẽ tăng lên đến 80% vào năm 2050.

Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam chiếm gần 3/4 tổng sản lượng điện ở Đông Nam Á. Vì vậy, khả năng đáp ứng các mục tiêu phát triển của khu vực phụ thuộc rất lớn vào sự lựa chọn năng lượng trong hiện tại và tương lai của các quốc gia.

Tuy nhiên, trong các đánh giá khảo sát về một loạt thách thức phổ biến, các bên liên quan trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á đã nhấn mạnh các thách thức mà khu vực này phải đối mặt là thiếu hệ thống tổ chức; thiếu những nền tảng để chia sẻ thông tin và kiến thức kịp thời; dành quá nhiều thời gian cho các buổi gặp hợp tác; và trùng lặp công việc vì các bên liên quan không nhận thức và nắm bắt được những gì người khác đang làm.

SIPET được thiết lập với mục tiêu giải quyết những thách thức này thông qua bốn tính năng chính: tập hợp tài nguyên về ngành năng lượng; cơ sở dữ liệu dự án và công cụ lập bản đồ; trung tâm chia sẻ kiến thức và diễn đàn cộng đồng dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.

Tính năng Power Sector Resources (tập hợp tài nguyên về ngành năng lượng) của SIPET bao gồm công cụ tiến độ chuyển đổi năng lượng; một chuyên mục về thông tin chuyên sâu về ngành điện (2 phần này đều do CASE phát triển) và bộ theo dõi nhà máy điện (do Global Energy Monitor phát triển).

Tất cả những tài nguyên và công cụ này sẽ giúp các chuyên gia về chuyển đổi năng lượng nắm bắt được những cập nhật phát triển năng lượng mới nhất liên quan đến quá trình chuyển đổi ngành điện của khu vực.

Công cụ Project Mapping Tool (lập bản đồ dự án), được phát triển bởi CASE và Tổ chức Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP), có chức năng thống kê các bên liên quan chính tham gia vào các dự án chuyển đổi năng lượng trong khu vực nhằm giúp các nhà tài trợ và đối tác phát triển trong quá trình chuyển đổi năng lượng nhận biết và xây dựng cơ hội hợp tác, từ đó tạo ra hiệp lực và tác động lớn hơn.

SIPET Knowledge Hub (Trung tâm tri thức SIPET) là một cổng thông tin chia sẻ tin tức, kết quả nghiên cứu, các ấn phẩm mới nhất và sự kiện sắp diễn ra. Cổng thông tin này sẽ giúp những người hoạt động trong lĩnh vực này dễ dàng chia sẻ thông tin và tin tức liên quan, tạo điều kiện để tăng cường những cuộc đối thoại và hợp tác giữa các ngành năng lượng trong khu vực Đông Nam Á.

SIPET Community Forum (Diễn đàn Cộng đồng SIPET) sẽ cung cấp một nền tảng kết nối các nhà tài trợ và đối tác phát triển để giúp việc chia sẻ thông tin và hợp tác diễn ra một cách tự nhiên và hợp lý.

SIPET hiện tích hợp dữ liệu châu Á từ ba thiết bị theo dõi được phát triển bởi Global Energy Monitor (GEM) là Asia Gas Tracker, Global Coal Plant Tracker và Global Oil & Gas Extraction.

Trong những tháng tới, SIPET sẽ bổ sung tính năng này bằng cách tích hợp dữ liệu từ hệ thống theo dõi nhà máy năng lượng mặt trời toàn cầu của GEM và hệ thống theo dõi năng lượng gió toàn cầu.

Ông Simon Rolland, Giám đốc Dự án Năng lượng của GIZ cho biết, SIPET là một nền tảng tập hợp đầy đủ các thông tin và nghiên cứu có sẵn tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận dựa trên những kết quả và kinh nghiệm được đúc kết, giúp các chuyên gia hiểu thêm về các dữ liệu và xu hướng chính, tạo nên những ảnh hưởng tích cực lên sự hợp tác và chia sẻ tri thức giữa các bên liên quan.

Thông qua SIPET, chúng tôi mong muốn có thể tạo điều kiện cho ngành điện hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng dựa trên những kết quả và kinh nghiệm đã được chứng minh, qua đó hỗ trợ mạnh mẽ các chiến lược phát triển của khu vực và hướng tới những hành động chung nhằm đảm bảo một tương lai có năng lượng sạch với mức giá phải chăng và an toàn cho Đông Nam Á.

Đông Nam Á là khu vực trọng yếu trong nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy hành động chống lại ảnh hưởng biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris. Trong bối cảnh này, SIPET kêu gọi các bên liên quan hiện đang làm việc trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á tham gia nền tảng này với tư cách là thành viên hăng hái, và là người đóng góp nội dung tích cực hướng tới việc tạo ra một hệ sinh thái thông tin phụ trợ cho cộng đồng chuyển đổi năng lượng chuyên nghiệp và đặt ra các mục tiêu cao hơn cho lĩnh vực chuyển đổi năng lượng trong khu vực.

Dự án Năng lượng sạch, Giá phải chăng và An toàn cho Đông Nam Á (CASE), do Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Liên bang Đức (BMWK) ủy nhiệm, mong muốn hỗ trợ các nước đối tác trong khu vực Đông Nam Á trong quá trình chuyển đổi sang hệ thống năng lượng tương lai, có thể cung cấp điện cho người dân một cách ổn định với giá thành hợp lý, đồng thời thúc đẩy tham vọng chính trị trong việc tuân thủ Thỏa thuận Paris.
Thông qua cách tiếp cận toàn diện, bao gồm cả nhà nước, tư nhân và các tổ chức nghiên cứu, CASE góp phần thay đổi câu chuyện của ngành năng lượng ở Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam theo hướng chuyển đổi năng lượng dựa trên những kết quả và kinh nghiệm được đúc kết.

Bài viết liên quan