fbpx

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục điều chỉnh, S&P 500 thủng mốc 4.000 điểm

Gallen Capital – Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục có một phiên điều chỉnh mạnh sau khi Cục dự trữ liên bang (Fed) chính thức tăng lãi suất thêm 0,5%. Chỉ số S&P 500 lần đầu tiên trong hơn một năm qua thủng mốc 4.000 điểm, trong bối cảnh làn sóng bán tháo cổ phiếu tiếp tục nối dài.

Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 653,67 điểm, tương đương 1,99%, điểm xuống 32.245,70 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,2%, tương đương 132,10 điểm, còn 3.991,24 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq giảm 521,41 điểm, tương đương 4,29%, xuống 11.623,25 điểm.

Trong ngày, chỉ số S&P có thời điểm tụt xuống mốc 3.975,48 điểm trước khi có sự phục hồi về phía cuối phiên. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn chốt phiên ở ngưỡng dưới 4.000 điểm, thấp nhất kể từ tháng 3/2021. So với đỉnh 52 tuần qua, S&P đã mất 17% giá trị. Tất cả các lĩnh vực trừ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đều chìm trong sắc đỏ.

Trái ngược với thị trường chứng khoán, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 tăng lên trên ngưỡng 3%, cao nhất kể từ tháng 11/2018.

“Chính sách của Fed chính là yếu tố tác động mạnh nhất tới thị trường trong một vài phiên giao dịch gần đây”, theo Jeff Kilburg tới từ Sanctuary Wealth.”Điều duy nhất có thể giúp thị trường sớm chạm đáy và phục hồi trong tương lai gần đó chính là sự thành công của Fed trong việc kéo giảm lạm phát, thông qua các công cụ sẵn có của mình. Lợi suất trái phiếu chính phủ cần phải giảm xuống ngưỡng 3%”. ông nói.

Lãi suất tăng tiếp tục ảnh hưởng tới cổ phiếu công nghệ. Giá cổ phiếu của Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) và Alphabet (công ty mẹ của Google) giảm lần lượt 3,7% và 2,8%. Giá cổ phiếu của Amazon, Apple và Netflix cũng lần lượt giảm 5%, 3% và 4%. Tesla giảm mạnh tới hơn 9%.

Sự kết hợp giữa lãi suất tăng cùng triển vọng nền kinh tế ảm đạm cũng tác động tiêu cực lên nhiều lĩnh vực khác, từ hàng tiêu dùng cho tới công nghiệp, ngân hàng. Giá cổ phiếu của Bank of America giảm 2,8%.

Boeing là doanh nghiệp giảm điểm mạnh nhất trong nhóm Dow Jones khi mất hơn 10%. Giá dầu tương lai giảm khiến giá cổ phiếu của Chevron giảm 6,7%. 3M, Walmart, Amgen và Home Depot chính là những điểm sáng hiếm hoi trên thị trường khi chốt phiên trong sắc xanh.

“Chúng tôi dự báo thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh, trong bối cảnh rủi ro đình lạm (đình trệ và lạm phát) liên tục tăng cao”, theo Maneesh Deshpande tới từ Barclays. “Trong bối cảnh thị trường như hiện tại, một phiên giao dịch tăng điểm sẽ hiếm khi xuất hiện”.

o4ofdyw27fibblvjeptgjb4jei-2236-16521407

Giá cổ phiếu của Boeing sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch 9/5. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia phân tích biểu đồ cho biết họ nhìn thấy dấu hiệu dự báo thị trường chứng khoán sẽ trải qua một giai đoạn “ì ạch” kéo dài.

“Quan điểm của chúng tôi là thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục giảm sâu vì chúng tôi chưa thấy đủ các bằng chứng kỹ thuật cho thấy quá trình tạo đáy của thị trường đang hình thành”, theo JC O’Hara tới từ MKM Partners.

Liên quan tới báo cáo lợi nhuận quý I, giá cổ phiếu của Palantir giảm 21,3% sau khi công ty này dự báo doanh thu sẽ bị ảnh hưởng nặng trong thời gian tới. Giá cổ phiếu BioNTech tăng hơn 3% trước thông tin công ty ghi nhận một quý kinh doanh khởi sắc. Mùa báo cáo lợi nhuận quý I đang dần đi đến hồi kết, tuy nhiên, nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp nổi bật như Walt Disney và Occidental Petroleum.

Về thông tin doanh nghiệp, giá cổ phiếu của Rivian giảm hơn 20% sau khi CNBC công bố thông tin Ford đang tìm cách bán 8 triệu cổ phiếu của công ty này.

Tuần giao dịch trước đó là một tuần đáng quên của thị trường chứng khoán Mỹ trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng mạnh sau quyết định tăng lãi suất của Fed và trước triển vọng tăng trưởng thấp của nền kinh tế toàn cầu.

DALE BUSINESS ANALYST GALLEN CAPITAL

Bài viết liên quan