ASEAN đang tiến những bước táo bạo hướng tới một tương lai vững vàng hơn, công bằng hơn và thịnh vượng hơn.

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam Nguyễn Quang Vinh đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Lãnh đạo và Hợp tác ASEAN (ASEAN Leadership and Partnership Forum – ALPF).
Tại Diễn đàn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược châu Á – Thái Bình Dương KSI Michael Yeoh cùng các diễn giả đã đánh giá Việt Nam đang là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất, khẳng định đây là “một ngôi sao sáng của ASEAN”.

Với vai trò trung tâm trong mạng lưới liên kết kinh tế khu vực và các hiệp định thương mại tự do đa phương, Việt Nam mang đến cho các nhà đầu tư lợi thế tiếp cận đa dạng thị trường và chuỗi cung ứng toàn ASEAN.
Vì thế, đầu tư vào Việt Nam không chỉ là đầu tư vào một nền kinh tế năng động, ổn định và đang phát triển nhanh chóng, mà còn là bước đi chiến lược để kết nối với một khu vực hơn 700 triệu dân.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tình hình thế giới đang diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường. Ông chỉ ra việc nhiều nước thay đổi chính sách và nhiều vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu mà không nước nào tự giải quyết được một mình.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh không có cách nào khác là càng phải đoàn kết hơn, đoàn kết giữa các nước, các doanh nghiệp; đồng thời phải đề cao chủ nghĩa đa phương để cùng chung tay, chung sức, đồng lòng, tham gia giải quyết các vấn đề của thế giới bởi trong đó có vấn đề của nước mình, doanh nghiệp mình.
Với doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh sứ mệnh quan trọng, tiên phong của họ là góp phần thực hiện mục tiêu chung là xây dựng ASEAN tự cường, phát triển nhanh, bền vững, mang lại lợi ích cho nhân dân và xã hội.
Đặc biệt, các doanh nghiệp phải tăng cường kết nối với nhau, qua đó kết nối các nền kinh tế ASEAN và ASEAN với thế giới. Bên cạnh đó cần góp phần xây dựng thể chế, chính sách theo hướng hài hòa hóa giữa các nước ASEAN và với các nước trên thế giới.
Đồng thời các bên cần kết nối các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, ảnh hưởng trong thời gian qua cũng như kết nối đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng để ứng phó tình hình, tránh việc phụ thuộc vào một thị trường hay một địa bàn.
Ngoài ra, cần kết nối đẩy mạnh hợp tác công tư, kết nối phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ các nhà nước, chính phủ các nước phải phát huy vai trò kiến tạo, thiết kế và thực thi chính sách để bảo đảm ổn định, tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển.
“Điều này sẽ tạo điều kiện cho phát triển nhanh, bền vững, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian chia sẻ về những thành tựu quan trọng, nổi bật mà Việt Nam đạt được sau 40 năm đổi mới và trong thời gian vừa qua; đồng thời chia sẻ về những định hướng lớn của Việt Nam trong thời gian tới để phát triển nhanh, bứt phá, bền vững, tăng trưởng GDP từ 8% trong năm 2025 và đạt mức 2 con số trong những năm tới.
Theo đó, Việt Nam đang quyết liệt triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực với phương châm “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”; thực hiện “bộ tứ trụ cột” về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng và thực thi pháp luật, phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập quốc tế; triển khai cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính để tạo không gian phát triển mới, tinh giản biên chế, giảm cấp trung gian, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chuyển trạng thái từ thụ động xử lý sang chủ động phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cũng tại diễn đàn, KSI đã vinh danh Thủ tướng Phạm Minh Chính là Nhà lãnh đạo ASEAN tiêu biểu năm 2025. Thủ tướng trân trọng cảm ơn và cho rằng đây là giải thưởng dành cho nhân dân, đất nước Việt Nam mà ông là người thay mặt để đón nhận.
Bên lề diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI đã tham gia các phiên thảo luận quan trọng của diễn đàn để xây dựng mạng lưới và hợp tác cấp cao. Thông qua các phiên thảo luận này, các nhà lãnh đạo và doanh nhân sẽ có cơ hội kết nối, trao đổi ý tưởng và phát triển các mối quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng bao trùm và đẩy mạnh các sáng kiến xuyên biên giới.
Sự tham gia tích cực của Phó Chủ tịch VCCI tại Diễn đàn ALPF cũng góp phần thể hiện cam kết mạnh mẽ của VCCI trong việc thúc đẩy tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp tại các diễn đàn khu vực.

Về ASEAN nói chung, các đại biểu tham dự diễn đàn nhận định đây là khu vực kinh tế năng động hàng đầu thế giới, chứng kiến việc vừa hội nhập sâu rộng giữa các nước thành viên, vừa mở rộng quan hệ với các đối tác quan trọng, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, GCC…
Từ các phiên thảo luận tương tác về đổi mới số đến các bàn tròn về tài chính xanh, đại biểu sẽ được trải nghiệm một môi trường năng động, thúc đẩy hợp tác và hành động.
Diễn đàn Lãnh đạo và Hợp tác ASEAN 2025 không chỉ là một hội nghị, mà là lời hiệu triệu hành động. Thông qua việc tập hợp các bên liên quan then chốt để cùng đối mặt với những thách thức chung, khám phá các giải pháp tiên phong và xây dựng chiến lược đổi mới, Diễn đàn mở ra con đường để ASEAN tiến những bước táo bạo hướng tới một tương lai vững vàng hơn, công bằng hơn và thịnh vượng hơn.
https://vcci.com.vn/tin-tuc/thuc-day-xay-dung-cong-dong-asean-ben-vung-va-thinh-vuong