fbpx

Tìm lại thời cổ đại hoàng kim, Ai Cập chuẩn bị xây dựng ‘thành phố vàng’

Chỉ thị của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi cho biết, thành phố vàng dự kiến sẽ bao gồm các đơn vị giao hàng và lưu trữ, các nhà máy, xưởng sản xuất, tiệm vàng, một trường dạy nghề chế tác vàng thủ công, cũng như một số dịch vụ khác như dập và cân đồ trang sức, một bảo tàng, một công viên giáo dục dành cho trẻ em, một khu ăn uống và một trung tâm hậu cần.

Ông Abdullah Muntaser, một quan chức quản lý trong ngành kinh doanh vàng của Ai Cập, cho biết thành phố vàng được trang bị công nghệ hiện đại này sẽ là một điểm đến trên thế giới, nơi các thương nhân từ Italy và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có thể trưng bày các món đồ trang sức của họ.

Thành phố chuyên sản xuất và kinh doanh vàng sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 25,2 ha. Chính phủ Ai Cập hiện đang xem xét hai địa điểm, hoặc là thủ đô hành chính mới (Tân Cairo) hoặc thành phố Obour. Theo lãnh đạo thủ đô hành chính mới Shaaban Dhahy, quyết định cuối cùng về địa điểm sẽ tùy thuộc vào Bộ Nhà ở Ai Cập.

Tuy nhiên, các quan chức Ai Cập cho rằng Tân Thủ đô sẽ là lựa chọn khả thi hơn cả. Ông Dhahy cho hay khu vực được phân bổ cho thành phố sản xuất và kinh doanh vàng ở thủ đô hành chính mới sẽ gần một trung tâm mua sắm có tên Souq El Dahab (chợ vàng).

Trung tâm mua sắm vàng gồm 8 tầng này sẽ có diện tích 8.300 m2, được xây dựng để thúc đẩy hoạt động kinh tế của El Sagha, quận nổi tiếng nhất Ai Cập về mua sắm trang sức vàng nằm ở Cairo cổ dưới triều đại Fatimid.

Tổng thư ký phụ trách mảng kinh doanh vàng thuộc Liên đoàn Các phòng Thương mại Ai Cập, ông Nady Naguib, khẳng định: “Chúng tôi sẽ là một thị trường mở đối với thế giới”. Theo ông Naguib, một trường dạy các kỹ năng chế tác trang sức vàng sẽ được thành lập. Trường sẽ có nhiều chi nhánh.

Thành phố vàng cũng sẽ có một nhà máy luyện quặng vàng. Ông Naguib cho hay nhà máy sẽ giúp tiết kiệm được một lượng lớn ngoại tệ và cung cấp một khối lượng vàng lớn, đủ để sản xuất đồ trang sức xuất khẩu.

Theo báo cáo tháng Một của tổ chức Export Council for Building Materials, Refractory & Metallurgy Industries (ECBM), kim ngạch xuất khẩu vàng, đồ trang sức và đá quý của Ai Cập đã tăng mạnh trong năm 2020 lên 2,982 tỷ USD, từ mức 2,036 tỷ USD của năm 2019. Các sản phẩm này đã được xuất khẩu sang 36 quốc gia, trong đó có 4 thị trường mới là Croatia, CH Czech, Áo và Hàn Quốc

baoquocte.vn tổng hợp theo Egypt today

Bài viết liên quan