fbpx

Triển vọng giá dầu, vàng tuần 16/5 – 20/5

Giá dầu Brent giao dịch trên sàn London tăng 3,77 USD, tương đương 3,5%, lên 111,22 USD/thùng trong ngày giao dịch 13/5. Chốt tuần, giá dầu Brent giảm 0,7%. Giá dầu Brent tăng sau khi xuất hiện thông tin Trung Quốc sẽ sớm nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19 tại Thượng Hải, có ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong hơn 7 tuần qua.

Tuy nhiên, giá dầu Brent cũng bị kìm hãm bởi việc Liên minh châu Âu chưa thể áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vì Hungary, một thành viên của liên minh, lo sợ quốc gia này sẽ rơi vào khủng hoảng nếu như nguồn cung năng lượng từ Nga bị cắt đứt.

Tại New York, giá dầu WTI tăng 4,04 USD, tương đương 3,8%, lên 110,16 USD/thùng. Chốt tuần, giá dầu WTI tăng 0,7%. Giá dầu WTI tăng do năng lực lọc hóa dầu tại Mỹ đang bộc lộ nhiều vấn đề, khiến cho giá nhiên liệu tại quốc gia này tăng cao kỷ lục. Giá dầu diesel tăng lên ngưỡng hơn 6 USD/gallon trong khi giá xăng cũng tăng cao hơn 4,5 USD/gallon.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết tâm kiểm soát lạm phát mà không kéo nền kinh tế rơi vào suy thoái thông qua một loạt các đợt tăng lãi suất.

Tham vọng này có thể sẽ khó lòng đạt được, không bởi vì giá dầu hiện đang ở ngưỡng trên 100 USD/thùng, mà bởi vì động cơ kiếm tiền của các công ty lọc hóa dầu, trong khi phần còn lại của nền kinh tế gặp khó.

Theo đó, nguồn cung xăng, dầu, đặc biệt là diesel, đang thiếu hụt nghiêm trọng tại Mỹ, sau khi nhiều công ty lọc hóa dầu phải đóng cửa hoặc cắt giảm công suất. Những doanh nghiệp còn tồn tại trên thị trường đang làm trầm trọng hóa tình hình khi không sử dụng lợi nhuận kiếm được để mở rộng nhà máy hoặc mua lại những công ty yếu kém nhằm gia tăng sản lượng, qua đó, giảm thiểu áp lực giá cả đối với người tiêu dùng.

Bloomberg ước tính hơn 1 triệu thùng các sản phẩm lọc, hóa dầu, chiếm khoảng 5% tổng nhu cầu tại Mỹ, đã bị cắt giảm mỗi ngày khi đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo tụt nhu cầu sử dụng dầu mỏ trong năm 2020. Bên ngoài nước Mỹ, có thêm 2,3 triệu thùng bị cắt giảm. Và nếu như các doanh nghiệp lọc hóa dầu không đầu tư gia tăng công suất, cuộc khủng hoảng này sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn.

“Nền kinh tế Mỹ đang đối diện với một cú sốc giá cả nghiêm trọng hơn so với nhiều người vẫn nghĩ, vì giá nhiên liệu đang tăng nhanh hơn so với giá dầu thô, và điều đó ảnh hưởng tới hiệu quả chính sách tiền tệ của Fed”, theo Javier Blas, Chuyên gia phân tích thị trường năng lượng tại Bloomberg.

“Lo lắng đối với nền kinh tế là hoàn toàn có cơ sở”, theo John Kilduff, Đối tác tới từ quỹ phòng hộ năng lượng Again Capital. “Giá dầu diesel phần nào phản ánh thực trạng nền kinh tế. Mức giá hơn 6 USD/gallon đang ăn mòn lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp, và nhu cầu loại dầu này hoàn toàn có thể sụt giảm trong thời gian tới”.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo rằng giá nhiên liệu tăng cao, bên cạnh đó là đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế, sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình hồi phục nhu cầu toàn cầu trong phần còn lại của năm 2022 và năm 2023.

qutbe5qs4zofnpeaky2jwgfrr4-5553-16526617

Nhà máy lọc dầu LyondellBasell, Texas, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia như Kilduff cũng quan ngại về quá trình tăng lãi suất của Fed. Cơ quan này đã có 2 lần tăng lãi suất: 0,25% trong tháng 3 và 0,5% hồi đầu tháng 5 vừa qua. Thị trường dự báo có tơi 83% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% sau kỳ họp tháng 6 tới. Tuy nhiên, chủ tịch Fed Jerome Powell đã phủ nhận khả năng một đợt tăng lãi suất cao tới như vậy.

Nhưng ông cũng nếu ra một điểm đáng quan ngại: việc nền kinh tế “hạ cánh mềm” hay không lại phụ thuộc vào một số yếu tố nằm ngoài khả năng của Fed. Giảm tốc độ tăng trưởng tiền lương, một nguyên nhân thúc đẩy lạm phát, là không hề dễ dàng. “Thật khó để có thể hoàn thành mục tiêu đó ở thời điểm hiện tại, vì một vài lý do. Đó là vì tỷ lệ thất nghiệp đang ở ngưỡng thấp khiến cho thị trường đang thiếu hụt nhiều lao động, và lạm phát đang ở ngưỡng rất cao”, ông nói.

Sau khi giảm 3,5% trong năm 2020, nền kinh tế Mỹ tăng  trưởng 5,7% trong năm 2021, cao nhất kể từ năm 1982.

Tuy nhiên, lạm phát cũng tăng nhanh không kém, thậm chí nhanh hơn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng lần lượt 8,3% và 11% trong tháng 4.

“Tôi quan ngại rằng Fed sẽ làm quá đối với các chính sách của mình”, Kilduff chia sẻ. Blas, tới từ Bloomberg cũng đồng tình rằng nền kinh tế Mỹ hoàn toàn có thể “chệch hướng” trong thời gian tới.

“Nếu như các công ty lọc hóa dầu tiếp tục tham vọng ‘siêu lợi nhuận’ của mình, cú sốc năng lượng sẽ tác động mạnh lên nền kinh tế”, ông nói. “Giải pháp duy nhất là giảm nhu cầu. Tuy nhiên, khi đó, một giai đoạn suy thoái lại là điều cần thiết”.

Đối với dầu WTI, việc giá dầu chốt tuần trước ở ngưỡng cao hơn 110 USD là dấu hiệu cho thấy giá mặt hàng này có thể tăng cao hơn lên ngưỡng từ 116-121 USD/thùng trong tuần này, theo Sunil Kumar Dixit, Giám đốc chiến lược kỹ thuật tại skcharting.com.

“Hiện tại, mức 98 USD sẽ là sàn cứng, và 104-106 USD/thùng là ngưỡng hỗ trợ”, Dixit chia sẻ. “Nếu như không thể vượt mức 104 USD, giá dầu có thể sẽ giảm xuống ngưỡng 99-101 USD/thùng”, ông nói.

Ông cũng bổ sung thêm rằng nếu thủng 98 USD/thùng, giá dầu sẽ hoàn toàn đánh mất đà tăng giá của mình. “Khi đó, giá dầu có thể điều chỉnh từ 18-20 USD/thùng, xuống ngưỡng 75-88 USD/thùng trong trung hạn”, ông chia sẻ.

Kim loại quý

Trong phiên giao dịch ngày 13/5, giá vàng có thời điểm giảm thấp hơn 1.800 USD/ounce trên sàn Comex. Dù hồi phục để lấy lại mốc 1.800 USD/ounce, nhưng điều đó là không đủ để bù đắp lại sự sụt giảm trong những ngày trước đó. Chốt tuần, giá vàng giảm 165 USD, tương đương 8%, so với tuần trước đó.

Giá vàng giảm trong một vài ngày trở lại đây xuất phát từ đà tăng giá của đồng USD, hiện đã chạm ngưỡng cao nhất 20 năm.

Dù có suy yếu trong phiên giao dịch 13/5 và giúp giá vàng thu hẹp đà giảm, những điều đó không làm thay đổi tình hình khi nhiều chuyên gia dự báo giá đồng tiền này sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới trước nhu cầu đầu cơ khi Fed quyết liệt tăng lãi suất.

“Một làn sóng bán tháo đồng USD sẽ là điều duy nhất giúp thay đổi quan điểm giảm giá của vàng ở thời điểm hiện tại”, theo Jeffrey Halley, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tới từ OANDA.

Dù thoát khỏi đáy trong phiên giao dịch 13/5, giá vàng hoàn toàn có thể rơi xuống ngưỡng 1.700 USD/ounce nếu như không thể vượt qua ngưỡng kháng cự 1.836-1.885 USD/ounce, theo Dixit. .

“Giá vàng được dự báo sẽ giảm giá trong ngắn hạn, và hoàn toàn có thể thủng mốc 1.800 USD/ounce và sau đó là ngưỡng 1.760-1.780 USD/ounce. Tuy nhiên, nếu không thủng những mốc này, giá vàng có thể tăng lên 1.880 USD/ounce. Ngược lại, giá vàng sẽ rơi xuống ngưỡng 1.760 USD/ounce trong tuần tới.

Nhưng nếu có thể duy trì trên mốc 1.848 USD/ounce, đà hồi phục của giá vàng có thể được nới rộng lên 1.885 USD/ounce và 1.900 USD/ounce, ông bổ sung.

DALE BUSINESS ANALYST GALLEN CAPITAL

Bài viết liên quan