Trump có quyền sa thải Chủ tịch Fed hay không?

Khi Donald Trump tuyên bố rằng ông có quyền sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell, ông đã thách thức một tiền lệ pháp lý đã bảo vệ Fed khỏi sự can thiệp chính trị trong gần một thế kỷ.

Vào ngày 17/04, Tổng thống Trump đã chỉ trích Powell, nói rằng “ông ấy luôn quá chậm, hơi trì trệ. Và tôi không hài lòng với ông ấy”. Khi được một phóng viên tại Phòng Bầu dục hỏi liệu ông có sa thải nhà lãnh đạo Fed hay không, Trump đã nói: “Nếu tôi muốn ông ấy rời ghế, việc đó sẽ diễn ra rất nhanh thôi, tin tôi đi”.

Chủ tịch Fed Jerome Powell

Tuyên bố này đã khiến giới đầu tư và các nhà kinh tế chuyển sự chú ý sang một vụ kiện đang được xem xét tại các tòa án Mỹ, liên quan đến việc Trump trước đó đã sa thải các thành viên ban quản trị tại hai cơ quan độc lập khác.

Mặc dù hai quan chức này – Gwynne Wilcox của Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia và Cathy Harris, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hệ thống Công trạng – không nổi tiếng bằng Powell, họ đều được bảo vệ bởi cùng một tiền lệ pháp lý từ năm 1935 được gọi là “Humphrey’s Executor”. Trong ngày 16/04, Powell cũng thừa nhận Fed đang “theo dõi cẩn thận” diễn biến của vụ kiện này.

Tiền lệ từ thời Đại khủng hoảng

Vụ kiện hiện tại sẽ thử thách một phán quyết quan trọng của Tòa án Tối cao từ 90 năm trước. Vụ kiện đó, có tên “Humphrey’s Executor v. United States”, xảy ra khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt sa thải ông William Humphrey khỏi vị trí lãnh đạo Ủy ban Thương mại Liên bang vào năm 1933. Lý do sa thải đơn giản là vì ông Humphrey không đồng tình với các chính sách kinh tế New Deal của Roosevelt.

Tòa án Tối cao cuối cùng đã quyết định rằng Roosevelt đã hành động trái pháp luật khi sa thải ủy viên mà không có “lý do chính đáng” – một thuật ngữ pháp lý bao gồm các hoạt động bất hợp pháp hoặc sự bất tài nghiêm trọng.

Kể từ đó, phán quyết này đã trở thành lá chắn bảo vệ các cơ quan độc lập – bao gồm Fed – chống lại áp lực chính trị khi đưa ra quyết định chính sách.

“Sự độc lập của ngân hàng trung ương Mỹ trong việc thiết lập lãi suất theo cách mà chúng tôi thấy phù hợp là một vấn đề về luật”, Powell đã khẳng định vào ngày 16/04. Ông dự định làm đến hết nhiệm kỳ Chủ tịch Fed kéo dài đến tháng 5/2026,

Tại sao Humphrey’s Executor lại quan trọng đối với Fed?

Phán quyết Humphrey’s Executor đang đóng vai trò là hàng rào pháp lý chính ngăn cản Trump sa thải Powell hoặc 6 thống đốc hiện tại của Fed.

David Wilcox, từng là nhà kinh tế của Fed và hiện đang làm việc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết tiền lệ này đã trở nên quan trọng đến mức định hình nhận thức của công chúng về sự độc lập của Fed, và bất kỳ thách thức nào đối với nó đều có thể gây ra hoảng loạn.

“Chỉ riêng việc trao quyền cho tổng thống thực hiện khả năng sa thải các Thống đốc Fed sẽ làm cho thị trường lo lắng và làm suy yếu uy tín của Fed trong mắt các nhà đầu tư”, Wilcox, cũng là giám đốc nghiên cứu kinh tế Mỹ tại Bloomberg Economics, cảnh báo. “Chúng ta có thể nhận được phản ứng tiêu cực nghiêm trọng từ thị trường nếu Tòa án Tối cao đưa ra quyết định theo hướng đó”.

Tại sao một số người theo dõi Fed bắt đầu lo ngại?

Cả Gwynne Wilco và Cathy Harris đều bị sa thải sau khi Trump nhậm chức tổng thống vào tháng 1/2025. Họ đã đệ đơn kiện Chính phủ tại các tòa án liên bang, sau đó nhận được phán quyết có lợi và được lệnh khôi phục vị trí.

Tuy nhiên, chính quyền Trump đã kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm Quận Columbia, tòa này vào ngày 07/04 đã ủng hộ quyết định của các tòa án cấp dưới, đặc biệt viện dẫn tiền lệ Humphrey’s Executor.

Không bỏ cuộc, chính quyền Trump đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao để đảo ngược lệnh khôi phục vị trí của Wilcox và Harris.

Ngày 09/04, Chánh án John Roberts đã ban hành lệnh tạm thời ngăn cản hai quan chức này quay trở lại làm việc trong khi Tòa án Tối cao xem xét vụ kiện. Quyết định cuối cùng có thể được đưa ra trong những ngày tới. Tòa án yêu cầu các bên phản hồi kháng cáo trước ngày 15/04.

Lev Menand, học giả pháp lý tại Đại học Columbia, mô tả hoàn cảnh này là “cực kỳ hiếm gặp” và cảnh báo rằng nếu Tòa án Tối cao tiếp tục ngăn cản hai phụ nữ này quay lại làm việc, nhiều người sẽ coi tiền lệ Humphrey’s Executor là “đã đến hồi kết”.

“Ngay cả khi tòa án cuối cùng giữ nguyên tiền lệ này vài tháng sau và khôi phục công việc cho họ, việc tòa đồng ý với chính quyền Trump và cho phép họ bị đuổi việc trong thời gian ngắn cũng đã là chiến thắng một phần cho Trump. Ngay cả khi ông ấy thua vụ kiện về sau”, Menand nhận xét.

Fed có chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi vụ kiện của Harris và Wilcox không?

Một số học giả pháp lý tin rằng Humphrey’s Executor đã tồn tại lâu như vậy vì các thẩm phán Tòa án Tối cao, kể cả những người bảo thủ như Brett Kavanaugh và Samuel Alito, đều nhận thức được tầm quan trọng của một ngân hàng trung ương độc lập.

Năm ngoái, các thẩm phán đã bỏ phiếu 7-2 trong một quyết định được coi là thước đo cho sự ủng hộ pháp lý đối với sự độc lập của Fed, mặc dù vụ kiện chính thức liên quan đến Văn phòng Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB). Đáng chú ý, ngay cả Alito, người bỏ phiếu chống lại cơ chế tài trợ cho CFPB, cũng nhấn mạnh trong ý kiến bất đồng của mình rằng Fed là một “tổ chức độc đáo với một bối cảnh lịch sử đặc biệt”.

Các học giả lập luận rằng ngay cả khi Tòa án Tối cao cuối cùng đứng về phía Trump trong các trường hợp của Wilcox và Harris, phán quyết của họ có thể vẫn tạo ra ngoại lệ bảo vệ các thống đốc Fed khỏi áp lực chính trị.

Daniel Tarullo, Giáo sư Trường Luật Harvard và cựu Thống đốc Fed, giải thích rằng sự độc lập của ngân hàng trung ương có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử Mỹ: “Quốc hội đầu tiên, nhóm họp ngay sau khi Hiến pháp được phê chuẩn, đã thành lập First Bank of the United States (một dạng NHTW). Mặc dù các điều lệ của First Bank và ngân hàng sau cuối cùng không được gia hạn, chúng đã tạo tiền lệ cho một mô hình ngân hàng trung ương mà, có thể nói, còn độc lập với Tổng thống hơn cả Fed ngày nay”.

Powell, một luật sư, đã nói vào ngày 16/04 rằng bất kỳ quyết định nào về vụ án sẽ không “áp dụng cho Fed”. “Nói chung, sự độc lập của Fed được hiểu rộng rãi và được ủng hộ ở Washington, trong Quốc hội, nơi mà nó thực sự quan trọng”, Powell nói thêm.

https://vietstock.vn/2025/04/trump-co-quyen-sa-thai-chu-tich-fed-hay-khong-775-1298103.htm

Bài viết liên quan