fbpx

USD sụt giảm, đồng Yên phục hồi mạnh mẽ và những điều cần biết?

Đồng bạc xanh đã có tuần giảm giá mạnh nhất tính đến thời điểm này của năm 2023 và đang chững lại trong lúc các nhà giao dịch chờ các số liệu kinh tế mới và các động thái chính sách tiền tệ tiếp theo.

Không chỉ có Yên của Nhật Bản, các đồng Krone của Na Uy, Rand của Nam Phi và Krona của Thuỵ Điển đều đã trở thành những đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới trong những ngày gần đây, từ chỗ là những đồng tiền mất giá mạnh nhất kể từ đầu năm. Các chuyên gia dự báo, sự đảo chiều tỷ giá này chủ yếu đến từ số liệu thống kê cho thấy lạm phát suy yếu ở Mỹ – nhân tố làm tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp sửa kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, qua đó khiến đồng USD yếu đi.

Rất nhiều các tin tức dự báo Fed sắp dừng hẳn việc tăng lãi suất, các nhà giao dịch với tâm lý thích rủi ro đã tích cực mua mạnh các đồng tiền đã bị bán tháo trong thời gian qua. Lực mua này đã dẫn tới những pha biến động tỷ giá mạnh mẽ trên thị trường tiền tệ toàn cầu.

Theo Bloomberg, tuần vừa rồi, đồng Krona có tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2009 và chuyển sang trạng thái tăng so với thời điểm đầu năm; đồng Krone và Rand tăng mạnh nhất kể từ năm 2020; và đồng Yên có tuần tăng giá mạnh nhất từ đầu năm.

Chiều ngược lại, chỉ số Đô la Mỹ đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã giảm khoảng 2,2% trong tuần vừa rồi, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2022. Diễn biến tỷ giá này là tin vui đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở những quốc gia thời gian qua lo ngại về tình trạng mất giá nghiêm trọng của đồng nội tệ. Khi đồng tiền trượt giá sâu, một số ngân hàng trung ương đã phải triển khai hoặc cân nhắc triển khai các biện pháp hỗ trợ, bao gồm can thiệp trực tiếp vào thị trường.

Với lãi suất thực đang âm sâu do lãi suất danh nghĩa thấp hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng kinh tế đang èo uột, Nhật Bản, Thuỵ Điển và Na Uy đã không thể cạnh tranh nổi với sức hút từ lãi suất cao hơn ở Mỹ. Gần đây, ngân hàng trung ương các nước này cũng đề cập nhiều đến khả năng phải can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.

Giới chức Nhật Bản đã theo dõi sát sao diễn biến tỷ giá đồng Yên với một “tinh thần cấp bách mạnh mẽ” khi đồng tiền này rớt giá xuống gần ngưỡng dẫn tới đợt can thiệp hồi năm ngoái. Ở Thuỵ Điển, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nói giới đầu tư không nên đặt cược vào sự mất giá kéo dài của đồng Krona và công bố chiến lược phòng hộ cho một phần dự trữ ngoại hối. Ngân hàng Trung ương Na Uy giảm tốc độ mua vào ngoại tệ, trong khi Ngân hàng Trung ương Nam Phi cho biết đang theo dõi tình trạng mất giá của đồng Rand, sau khi đồng tiền này rớt giá xuống mức thấp chưa từng thấy.

“Do đó sự hồi phục của tỷ giá các đồng tiền này sẽ nhận được sự chào đón tích cực của các nhà hoạch định chính sách tại quốc gia tương ứng”, chiến lược gia Lee Hardman của MUFG Bank nhận định.

Từ nhiều tháng qua, các nhà quản lý quỹ thị trường tiền tệ đã dự báo về xu hướng mất giá của đồng USD. Ông Hardman đang đặt cược rằng bạc xanh sẽ còn suy yếu thêm trong nửa sau của năm nay, và điều đó sẽ giữ cho các đồng Yên, Krona và Krone tiếp tục tăng giá.

Dự báo tỷ giá đồng Yên

Tuần trước, đồng Yên tăng giá 2,4%. Sáng thứ Hai (17/7), tỷ giá Yên trên thị trường quốc tế dao động quanh ngưỡng 138,7 Yên đổi 1 USD, theo Reuters.

Cũng trong tuần trước, đồng Euro tăng giá 2,4% so với USD, đạt mức cao nhất 16 tháng. Sáng thứ Hai, đồng Euro giao dịch gần mức đỉnh này, với 1,1228 USD đổi 1 Euro.

Tuần này sẽ diễn ra cuộc họp chính sách tiền tệ của loạt ngân hàng trung ương lớn gồm Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Fed được dự báo gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp này, nhưng thị trường tin rằng sau đó Fed sẽ dừng hẳn việc thắt chặt cho tới khi bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2023. ECB được cho là có thể tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay. Với sự phục hồi của đồng Yên, giới chức BOJ những ngày gần đây phát tín hiệu cho thấy họ không vội gì trong việc dịch chuyển khỏi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Chiến lược gia trưởng về ngoại hối của ngân hàng Rabobank, bà Jane Foley, cho rằng đồng USD có thể vẫn ở trong thế phòng thủ vì thị trường đang định vị lại để phản ánh một Fed bớt “diều hâu” hơn. “Điều đó có nghĩa là triển vọng của mấy tháng tới là khó đoán. Tời thời điểm đó, các ngân hàng trung ương lớn khác cũng có thể đã đạt tới mức lãi suất cực đại… nên ưu thế lãi suất có thể quay trở lại với đồng USD”, bà Foley nói.

Biến động tỷ giá đã khiến nhiều quỹ đầu tư thua lỗ. Ba tuần gần đây, các quỹ phòng hộ đã xây dựng trạng thái bán khống đồng Yên lớn nhất kể từ đầu năm. Khi đồng Yên tăng giá nhanh và bất ngờ, trạng thái đó dễ dàng gây ra thua lỗ lớn cho quỹ.

Nhưng một số nhà đầu tư vẫn tỏ ra hoài nghi về sự phục hồi của Yên. Lượng bán khống Yên vẫn đang ở mức cao so với trung bình lịch sử.

“Nhà đầu tư nên cẩn trọng một chút với việc bán ồ ạt đồng USD ở thời điểm này. Tôi sẽ không chạy theo xu thế này một cách hoàn toàn, dù tôi cho rằng việc bán USD là hợp lý trong ngắn hạn”, nhà quản lý quỹ Frederik Repton của Neugerger Berman nhận định.

https://vn.investing.com/news/forex-news/usd-sut-giam-dong-yen-phuc-hoi-manh-me-va-nhung-dieu-can-biet-2039459

Bài viết liên quan