WSJ: Thuế quan của Trump tạo ra trật tự kinh tế thế giới mới

Thông báo vào hôm 03/04 (giờ Việt Nam) đã khiến thị trường toàn cầu choáng váng và có thể đẩy các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đến bờ vực suy thoái.

Một canh bạc lớn thay đổi mối quan hệ kinh tế toàn cầu

Mỹ đang tiến hành phá vỡ trật tự thương mại toàn cầu mà nước này đã xây dựng, mở ra một kỷ nguyên mới đầy bất định.

Tuyên bố được mong đợi từ lâu của Tổng thống Trump vào hôm 03/04 là một canh bạc lớn thay đổi mối quan hệ kinh tế toàn cầu mà ông Trump chỉ trích là gây thiệt hại cho Mỹ suốt nhiều thập kỷ, ngay cả khi nền kinh tế Mỹ phục hồi trở lại sau đại dịch và trở thành sự ghen tị của các quốc gia giàu có khác.

Những động thái của ông Trump dấy lên lo ngại về một cú sốc đình lạm, khiến giá cả tăng cao đồng thời đẩy nhiều nền kinh tế, bao gồm cả Mỹ, vào nguy cơ suy thoái.

Trump đã khiến thị trường toàn cầu bất ngờ khi công bố một loạt mức tăng thuế quan đối với các đối tác thương mại lớn, bao gồm 20% đối với Liên minh châu Âu và 34% đối với Trung Quốc. Thuế đánh vào hàng nhập khẩu cũng bao gồm mức tăng ít nhất 10% trên diện rộng đối với tất cả quốc gia, nâng mức thuế trung bình theo trọng số lên 23%, mức cao nhất trong hơn 100 năm, từ con số 10% trước thông báo và 2.5% vào năm ngoái, theo JPMorgan Chase.

Các nhà kinh tế cho rằng sự thay đổi chính sách của Trump, nếu không bị đảo ngược, có thể ngang bằng với Quyết định năm 1971 của Tổng thống Richard Nixon khi lật ngược các thỏa thuận do Mỹ và các đồng minh thời chiến tạo ra trong Thế chiến II, khi Washington đồng ý đổi đô la lấy vàng với tỷ giá 35 USD/ounce.

Đây sẽ là “nỗ lực lớn nhất nhằm tái cấu trúc cơ bản hệ thống thuế – thương mại ở Mỹ kể từ khi Nixon đưa chúng ta ra khỏi bản vị vàng vào đầu những năm 1970”, theo Michael Gapen – Nhà kinh tế trưởng tại Morgan Stanley.

Gapen cho biết ngân hàng của ông đã trấn an khách hàng rằng thị trường đang quá tự mãn trước rủi ro từ các mức thuế quan lớn hơn và rộng hơn, nhưng thông báo hôm 03/04 “thậm chí còn vượt xa những gì chúng tôi dự đoán”.

Tổng thống Trump công bố mức thuế mới vào hôm 03/04. Ảnh: Carlos Barria/Reuters

Việc triển khai kế hoạch thương mại đầy biến động và hỗn loạn của tổng thống, bao gồm thuế 20% đối với Trung Quốc, 25% đối với ô tô nhập khẩu và 25% đối với hàng hóa từ Canada và Mexico không nằm trong các thỏa thuận thương mại hiện hành, đã làm giảm đầu tư kinh doanh và tâm lý người tiêu dùng.

“Họ vừa công bố một đợt tăng thuế lớn, chủ yếu vào doanh nghiệp, nhưng như hầu hết loại thuế doanh nghiệp khác, chúng sẽ được chuyển thành giá cao hơn cho người tiêu dùng. Và bạn không thể phát triển nền kinh tế với mức thuế cao hơn”, Steven Blitz – Nhà kinh tế trưởng tại GlobalData TS Lombard nhận định.

Mức tăng thuế được công bố đặc biệt nghiêm trọng vì chúng không có ngoại lệ cho 2/3 hàng nhập khẩu thường được miễn thuế, như cà phê, trà và chuối – những mặt hàng không được sản xuất nhiều trong nước, theo Douglas Irwin – Nhà kinh tế học và sử gia thương mại tại Đại học Dartmouth.

Các mức thuế này sẽ áp dụng cho một loạt hàng hóa rộng hơn nhiều so với cuộc chiến thương mại năm 2019 của Trump với Trung Quốc. Nike sản xuất một nửa số giày của mình tại Việt Nam, nơi phải chịu mức thuế 46%. Một mạng lưới các nhà sản xuất điện tử tiêu dùng trên khắp Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế ít nhất 25%. Tuy nhiên, các mức thuế này miễn trừ dầu mỏ, khí đốt và các sản phẩm tinh chế.

Các nhà giao dịch làm việc tại Sàn giao dịch chứng khoán New York ngay sau khi Trump tổ chức họp báo về thuế quan hôm 03/04. Ảnh: Spencer Platt/Getty Images

Kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái năm nay

Mức tăng thuế làm gia tăng rủi ro về tác động mạnh đến thu nhập thực tế sau điều chỉnh lạm phát của người tiêu dùng, điều này có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái trong năm nay, theo Diane Swonk – Nhà kinh tế trưởng tại KPMG. Bà cho rằng loạt thuế quan được công bố là “kịch bản tồi tệ nhất” so với kỳ vọng trước thông báo.

Hơn nữa, vẫn chưa rõ các đối tác thương mại sẽ phản ứng ra sao, nghĩa là sự bất định có thể duy trì cao một thời gian dài. “Nếu mục tiêu là khiến các doanh nghiệp chuyển địa điểm sản xuất về đây, điều này không đạt được mục đích đó vì bạn không thể chắc chắn rằng trong vòng 3 đến 5 năm nữa, khi bạn xây dựng xong một nhà máy, liệu các mức thuế này có còn tồn tại hay không”, Swonk nhận định.

Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ, một thước đo rộng về thương mại và thu nhập từ nước ngoài, đã đạt 1.1 ngàn tỷ USD vào năm 2024, điều này củng cố quan điểm của Trump và các đồng minh rằng cần phải cải tổ thương mại toàn cầu.

Thuế quan có thể mang lại nguồn thu mới nhưng với cái giá đắt đỏ đối với thị trường tài chính. Giá tài sản cao hai năm qua phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về nền kinh tế Mỹ đang ở vị thế tốt so với các nước đồng cấp nhờ những tiến bộ công nghệ và triển vọng về một “hạ cánh mềm” khó nắm bắt – nơi lạm phát giảm mà không làm tăng mạnh tỷ lệ thất nghiệp.

Trump tiếp quản một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ổn định, tỷ lệ lạm phát giảm dần nhưng lại tồn tại những điểm yếu từ thị trường nhà ở đóng băng, thị trường lao động hạ nhiệt và thị trường chứng khoán bị định giá quá cao.

Trump từ lâu đã coi thâm hụt thương mại là dấu hiệu của sự yếu kém kinh tế. Tuy nhiên, trước nỗ lực của chính quyền Trump nhằm thu hẹp những thâm hụt đó, các quốc gia nước ngoài có thể giảm mua trái phiếu Chính phủ Mỹ hoặc có ít vốn dư thừa hơn để đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản và nợ tư nhân của Mỹ.

“Đau đớn thực sự từ sự kiện này sẽ là sự phá vỡ thỏa thuận dòng vốn mà chúng ta đã có với phần còn lại của thế giới”, Blitz nói. “Ý tưởng rằng bạn có thể phá vỡ thương mại mà không phá vỡ dòng vốn là một ảo tưởng”.

Lạm phát, lãi suất sẽ diễn biến ra sao?

Nếu các mức thuế này duy trì thời gian dài, lạm phát theo thước đo ưu tiên của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể tăng từ 2.5% vào tháng 2 lên 4.4% vào cuối năm nay, theo các nhà kinh tế tại UBS. Họ dự đoán lạm phát sẽ giảm xuống còn 3% vào cuối năm 2027.

Với kịch bản đó, nền kinh tế Mỹ năm nay có thể chứng kiến tăng trưởng đình trệ và chuyển sang âm vào nửa đầu năm tới – đáp ứng định nghĩa kỹ thuật về suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4.1% vào tháng 2 có thể tăng lên khoảng 5.5% vào năm tới.

Sự kết hợp giữa tăng trưởng yếu hoặc đình trệ cùng giá cả cao hơn sẽ đặt Fed vào tình thế khó khăn khi phải quyết định tập trung nhiều hơn vào nguy cơ lạm phát cao hơn (đòi hỏi chính sách thắt chặt) hay tỷ lệ thất nghiệp gia tăng (đòi hỏi chính sách nới lỏng).

Vấn đề đặt ra là cách ngân hàng trung ương điều hướng cú sốc cung tiêu cực, ví dụ như giá dầu tăng vọt. Các cú sốc cung tiêu cực hạn chế khả năng nền kinh tế sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ. Giá cả đột ngột tăng đối với một số nhà sản xuất nhưng lại bị bù trừ bởi thu nhập thực tế thấp hơn làm suy giảm tăng trưởng kinh tế tổng thể.

Lý thuyết chính sách tiền tệ tiêu chuẩn cho rằng nếu những cú sốc này dự kiến chỉ làm giá cả hàng hóa bị ảnh hưởng tăng lên một lần duy nhất thì các nhà hoạch định chính sách nên “bỏ qua” cú sốc – tức là không thay đổi kế hoạch lãi suất trước khi cú sốc xảy ra.

Tuy nhiên, điều này dễ nói hơn làm. Các quan chức có thể gặp khó khăn khi tuyên bố rằng việc giá cả tăng do thuế quan chỉ là tạm thời nếu chúng khởi động một quá trình tái cấu trúc sản xuất toàn cầu kéo dài nhiều năm để hoàn thành.

Kết quả là các quan chức của Fed có thể chờ đợi đến khi hoạt động kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trước khi cố gắng giảm tác động đến nhu cầu bằng cách hạ lãi suất.

Các nhà kinh tế UBS dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất dần dần ban đầu vì rủi ro lạm phát cao hơn. Nhưng họ cũng dự báo Fed sẽ cắt giảm mạnh hơn sau khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên và tăng trưởng yếu đi, khiến lãi suất ngắn hạn giảm hơn hai điểm phần trăm vào cuối năm tới.

https://fili.vn/2025/04/wsj-thue-quan-cua-trump-tao-ra-trat-tu-kinh-te-the-gioi-moi-775-1291238.htm

Bài viết liên quan